Bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm, nhiều bệnh viện ở Hà Nội quá tải
Nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và tuyến trung ương đang quá tải do gia tăng các ca nhập viện mắc Adenovirus, viêm phổi, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, cúm… Đặc biệt, 80% ca mắc Adenovirus ( hơn 1.000 ca) ghi nhận ở Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh nhi của các quận, huyện Hà Nội.
Trước sự gia tăng bất thường bệnh nhi mắc Adenovirus, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn về công tác thu dung và điều trị. Các chuyên gia cho biết, tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60-70% số bệnh nhi đến khám. Do đó, dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm trong ngày, trong tuần.
Tăng mạnh bệnh nhi, thêm giường điều trị
Dù là thứ 7 (ngày 24/9), song tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chật kín bệnh nhi tới khám. Có mặt tại khu vực khám nhi, phóng viên ghi nhận nhiều trẻ đến khám do sốt, viêm phế quản, viêm phổi, cúm A… Tại sảnh chờ, chị Nguyễn Thị Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Cháu sốt đến nay là ngày thứ 3, gia đình cho uống giảm sốt theo bác sĩ phòng khám tư kê đơn, nhưng sáng nay con có dấu hiệu khó thở, nôn, sốt cao 39 độ nên gia đình vội vã đưa tới đây. Bác sĩ nghi nhiễm Adenovirus và đang chờ xét nghiệm”.
Bế con trai đã ngủ trên tay, anh Nguyễn Quốc Hùng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Cháu khó thở, ho, sốt mấy ngày nay, bác sĩ vừa lấy máu xét nghiệm”. Có bệnh nhi ở huyện Hoài Đức được gia đình đưa đến khám trong tình trạng quấy khóc, sốt cao, ho. “Tôi không nghĩ đến đây đông như vậy, cháu vẫn chưa có kết quả, còn đang chờ xét nghiệm”, mẹ bệnh nhi nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến hơn 10h trưa nhưng lượng bệnh nhi đến khám vẫn rất đông. Trong buổi sáng có gần 150 bệnh nhi tới khám, nhiều cháu bệnh nặng đã được chỉ định nhập viện. Tại Khoa Nhi, giường bệnh đã chật kín.
Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, sáng 24/9 lượng bệnh nhi đến khám và nhập viện cũng tăng mạnh. Nhiều phụ huynh cho biết, do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Nhi Trung ương quá tải nên họ đưa con “chạy” về đây. Tại Khoa Nhi, các giường bệnh đều chật kín, Khoa phải mượn 2 phòng bệnh của Khoa Ngoại Tổng hợp để phục vụ điều trị.
BS Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trẻ nhập viện tăng mạnh trong khoảng một tháng nay, chủ yếu mắc các bệnh về viêm đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, cúm. Đặc biệt tăng đột biến vào những ngày gần đây, Khoa tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhi nhập viện. Trong đó, đã ghi nhận một số trẻ bị viêm phổi do nhiễm virus Adeno. Trước tình hình bệnh nhân đông như hiện nay, Bệnh viện Thanh Nhàn đã phân loại bệnh nhân, nếu bác sĩ chỉ định trẻ có thể điều trị tại nhà thì cho ngoại trú để bố mẹ theo dõi tại nhà, khi có vấn đề có thể gọi trực tiếp đến số hotline của Khoa Nhi để được hỗ trợ kịp thời.
Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng bệnh nhân tới khám tăng rất cao và có hiện tượng quá tải. Nhiều phụ huynh thấy con sốt, khó thở, viêm phổi đã “chạy” đến đây, khiến cho bệnh viện càng đông.
Chuẩn bị các khu hồi sức cho bệnh nhân nặng
Không chỉ mắc sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản… mà số trẻ mắc Adenovirus và tăng nhanh đột biến trong những ngày gần đây, gây lo lắng cho nhiều bậc cha mẹ. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện đã ghi nhận hơn 1.400 ca mắc Adenovirus từ đầu năm tới nay (trong đó 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội), trong đó có gần 1.300 ca được ghi nhận từ tháng 8 đến ngày 21/9. Riêng ngày 22/9, Bệnh viện phát hiện 150 ca, trong đó một nửa số này phải nhập viện. Điều đặc biệt, Adenovirus đã gây ra 7 ca tử vong là các bệnh nhi mắc các bệnh lý nền, đồng nhiễm Adenovirus. Hiện nay, Khoa Hô hấp đã kín giường, bệnh viện phải tăng giường điều trị để thu dung theo 3 nhóm: nhẹ; có tổn thương hô hấp đơn thuần; có bệnh lý nền, kèm theo bệnh nặng. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện rất đông, nguy cơ quá tải và lây nhiễm chéo luôn thường trực.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, đến ngày 23/9, Bệnh viện ghi nhận gần 100 ca mắc Adenovirus. Các bệnh viện của Hà Nội đều ghi nhận ca bệnh Adenovirus. Đây là hiện tượng tăng đột biến, và các chuyên gia lo ngại nếu như trẻ mắc các bệnh lý nền, bệnh nặng kèm theo mà đồng nhiễm Adenovirus sẽ khiến bệnh nhân thêm trầm trọng, thậm chí tử vong.
Theo kết quả điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện chưa ghi nhận các ổ dịch Adenovirus trong cộng đồng. Một chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, quan trọng nhất hiện nay là tăng cường phát hiện và tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. “Nếu chỉ Adenovirus hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh có COVID-19, cúm và các bệnh truyền nhiễm khác và quá tải bệnh viện thì thêm Adenovirus có thể sẽ diễn tiến nặng hơn. Đã có những giả thuyết về kết hợp COVID-19 và Adeno gây tình trạng viêm gan bí ẩn”, vị chuyên gia này cho biết.
Adenovirus lây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, tuy nhiên nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật, nếu mắc thêm Adenovirus có nguy cơ tử vong cao. Tại cuộc họp khẩn, lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề nghị các bệnh viện bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp không nằm chung với các bệnh khác; tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang, khử khuẩn…. không để lây lan dịch bệnh.