Bộ Y tế xin ý kiến 2 kịch bản ứng phó với dịch COVID-19

Thứ Tư, 04/05/2022, 06:30

Bộ Y tế đang xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022-2023. Hiện Bộ đang xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về 2 kịch bản trong phương án này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành.

Tình huống thứ nhất: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Bộ Y tế xin ý kiến 2 kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 -0

Tình huống thứ hai: Xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Trong tình huống thứ nhất, Bộ Y tế đề xuất một số hoạt động tập trung ở tình huống này là nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người lớn; tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi và sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.

Với tình huống thứ hai, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với WHO, các nhà sản xuất vaccine để cập nhật các loại vaccine phù hợp với biến chủng mới virus SARS-CoV-2, kịp thời báo cáo Chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân.

Tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tổ chức rà soát, tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền mạn tính) hoặc người đã tiêm đủ mũi vaccine trên 3 tháng.

Về các biện pháp xã hội, tình huống 2 đặt ra thực hiện nghiêm việc đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường theo dõi giám sát, xét nghiệm phát hiện kịp thời các biến chủng đáng lo ngại và những thay đổi về khả năng gây bệnh, khả năng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp; triển khai giám sát giải trình tự gene tại các điểm giám sát trọng điểm để phát hiện sự tiến hóa của virus; mở rộng giám sát SARS-CoV-2 trên động vật (bao gồm cả vật nuôi và động vật hoang dã).

Bộ Y tế dự báo, thời gian tới, dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Vì vậy, thời gian này vẫn chưa coi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, sau Omicron sẽ có thêm những biến chủng khác, nên khi nào tình hình dịch đáp ứng được mức độ ổn định về số ca mắc và ca tử vong thì mới nên xem là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Giống như sốt xuất huyết, sởi, có thể bùng phát lên từng khu vực, từng vùng, từng mùa nhưng nó cũng đã thành bệnh lưu hành.

Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) thì cho rằng, Bộ Y tế đưa ra 2 kịch bản ứng phó như trên là phù hợp trong tình hình hiện nay, bởi WHO cho rằng, các quốc gia vẫn phải cảnh giác, chưa đưa COVID-19 về bệnh lưu hành.

M.Thư
.
.
.