Bộ Y tế sẽ bổ sung một số vaccine mới vào tiêm chủng mở rộng

Thứ Tư, 03/05/2023, 16:08

Bộ Y tế sẽ bổ sung thêm đối tượng, lịch tiêm chủng và một số vaccine mới vào tiêm chủng mở rộng để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản hướng dẫn xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng.

Theo đó, đối tượng, lịch tiêm chủng vaccine bắt buộc trong tiêm chủng mở rộng gồm: Tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh; tiêm vaccine BCG (lao), bOPV (bại liệt), DPT-VGB-Hib (vaccine phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, IPV (vaccine bất hoạt phòng bệnh bại liệt), sởi cho trẻ dưới 1 tuổi; tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 1-5 tuổi; tiêm vaccine sởi-rubella, DPT (bạch hầu, ho gà, uống ván) cho trẻ từ 18-24 tháng; tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai.

Bộ Y tế sẽ bổ sung một số vaccine mới vào Tiêm chủng mở rộng   -0
Trẻ cần được tiêm chủng các loại vaccine định kỳ, để bảo vệ trước những căn bệnh chết người.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng còn có lịch tiêm chủng các vaccine khác đưa vào tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới bao gồm:Trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi: Vaccine IPV mũi 2. Hiện vaccine này tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc theo dự án do GAVI hỗ trợ; Trẻ 7 tuổi: Tiêm vaccine phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố; Trẻ dưới 1 tuổi: Vaccine Rota.

Các vaccine được đưa vào trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine Bộ Y tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Theo thông tin từ WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), đại dịch COVID-19 là thách thức đối với tất cả quốc gia. Điều này dẫn đến việc gần 67 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị lỡ lịch tiêm các loại vaccine định kỳ, vốn bảo vệ trẻ trước những căn bệnh chết người.

Việt Nam cũng trải qua sự sụt giảm liên tục về tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ em nhiều nhất kể từ khi Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được thành lập. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao nhất trên toàn thế giới. 

Thời gian qua, một số dịch bệnh bùng phát mạnh, nhiều trẻ phải nhập viện điều trị, trong đó có nhiều trẻ chưa tiêm vaccine như sởi, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản...dẫn đến bệnh diễn biến nặng. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, với các bệnh đã có vaccine phòng ngừa, cha mẹ cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của trẻ.

Trần Hằng
.
.
.