Bộ Y tế đưa đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B
Bộ Y tế vừa có quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký Quyết định số 3044/QĐ-BYT bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Theo đó, bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu…
Tại nước ta, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm: A, B, C. Trong đó, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A(H5N1), bệnh đậu mùa, bệnh COVID-19, bệnh sốt vàng…
Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…).
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo về sự xuất hiện của dịch đậu mùa khỉ tại 109 quốc gia thành viên ở tất cả 6 khu vực của tổ chức này.
Dịch bệnh đậu mùa khỉ không chỉ có các nước châu Âu, Mỹ mà nhiều nước trong khu vực cũng đã có ca bệnh như: Australia, New Zealand, Thái Lan...
Việt Nam cũng đã ghi nhận 2 trường hợp mắc đậu mùa khỉ về từ nước ngoài. Hiện chưa cổ ổ dịch đậu mùa khỉ nội địa, nguồn xâm nhập có thể từ nước ngoài về.
Các triệu chứng thường thấy của bệnh đậu mùa khỉ như: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Đa số người bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày, một số trường hợp chuyển biến nặng.