Bình Thuận: Thêm 1 ca tử vong nghi do bệnh dại
Ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, huyện Hàm Thuận Nam vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong nghi do bệnh dại.
Bệnh nhân là anh N.D.T (SN 1992, ngụ thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) có tiền sử bị bệnh xương khớp, lòng bàn chân trái đau nhức, cảm giác khó chịu. Ngày 29/3, bệnh nhân T. nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh với triệu chứng nghẹn, khó thở khi nhìn ánh sáng và quạt gió đang mở. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở nặng hơn.
Trong thời gian theo dõi tại bệnh viện, bệnh nhân có cảm giác sợ gió, lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán bệnh dại với tiên lượng nặng. Sáng 30/3/2024, người nhà thấy bệnh nặng nên xin về nhà. Cùng ngày, bệnh nhân tử vong tại nhà.
Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam đã tiến hành điều tra dịch tễ. Được biết, gia đình bệnh nhân có nuôi 7 con chó. Trong đó, có 4 con chó nhỏ bị chết, không rõ lý do, thời gian chết cụ thể. Bệnh nhân là người thường xuyên tiếp xúc và cho chó ăn. Vợ bệnh nhân cho biết, chồng không bị chó cắn vì là người rất cẩn thận, nếu bị chó cắn, cào là sẽ đi tiêm ngừa ngay.
Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam đã điều tra, lập danh sách trường hợp tiếp xúc bệnh nhân nghi dại. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ Nông nghiệp huyện theo dõi, giám sát và xử lý ổ bệnh dại trên người, động vật.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Bình Thuận ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Hàm Tân, thị xã La Gi và huyện Hàm Thuận Nam.
Ngày 22/3, vừa qua, một con chó thả rông đã cắn 4 người trên đường Ngô Sĩ Liên (phường Đức Thắng, TP Phan Thiết). Cơ quan chức năng đã đưa con chó về theo dõi. Tuy nhiên, con chó chết sau đó vài giờ. Kết quả xét nghiệm, con chó dương tính với virus dại.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chủ nuôi chó, mèo, phải tuân thủ quy định không thả rông chó, phải rọ mõm, có người dẫn dắt khi ra đường và tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo quy định của ngành thú y. Khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian, đắp lá cây.