Biến thể Omicron lây lan quá nhanh - nới lỏng nhưng không thả lỏng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, biến thể Omicron đang lây lan mạnh tại nước ta với số ca mắc tăng nhanh tại các tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Qua thống kê có tới 20/33 xã, phường ở Hà Nội xuất hiện biến thể Omicron, 76% số mẫu giải trình tự gene ở TP Hồ Chí Minh có biến chủng này. Bộ Y tế nhận định, biến chủng Omicron tốc độ lây lan mạnh, nhưng triệu chứng bệnh lại nhẹ, số ca mắc bệnh nặng và tử vong giảm.
Ca bệnh nặng, tử vong giảm mạnh
Biến thể Delta đã gây ra đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam với sự bùng phát dữ dội ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm gấp 3 lần với các biến chủng trước đó, với độc lực mạnh, biến thể này làm gia tăng bệnh nhân nặng và tử vong hơn các biến thể trước. Theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 5/3, số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%). Biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh, tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.
Theo Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%); ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch, tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; Hướng dẫn cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần. Cả nước hiện còn 1.612.493 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 1.522.740 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà, chiếm 94,4%; 4.035 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly, chiếm 0,25% và 85.718 ca đang điều trị tại 985 bệnh viện, chiếm 5,3%.
Hạn chế tốc độ lây nhiễm, không gây quá tải y tế
Với số ca mắc lên tới hơn 125.000 ca/ngày, biến chủng Omicron đang lây lan rất mạnh, nhiều người mắc không có triệu chứng nên đã dễ dàng lây cho người khác, đặc biệt gia đình 1 người mắc thì cả nhà đều bị lây nhiễm. Hiện nay, xuất hiện tâm lý, trong gia đình có 1 người mắc COVID-19, đằng nào cũng lây thì cả nhà cùng mắc một thể, đỡ phải mất thời gian cách ly.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, người dân muốn trở thành F0 là sai lầm. Bởi trong nhiều gia đình sẽ có người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine. Các ca nhập viện chuyển nặng trong thời gian qua đều là người giàchưa tiêm vaccine, người có bệnh nền. Vì vậy người dân không được chủ quan, vẫn phải tuyệt đối thực hiện 5K, trong nhà có người mắc COVID-19 thì phải cách ly với các thành viên khác.
Ông Phu cho biết, với tốc độ bùng phát chủng Omicron như hiện nay, sẽ dần thay thế biến thể Delta. Triệu chứng của Omicron nhẹ hơn, nên việc thay thế biến thể Delta sẽ tốt hơn. Nhưng như vậy không có nghĩa để cho lây lan tràn lan không kiểm soát, mà chúng ta phải cảnh giác không để dịch bùng phát quá cao, lúc đó sẽ gây ra quá tải hệ thống y tế, ca bệnh nặng sẽ nhiều và nguy cơ tử vong sẽ cao.
Ông Phu cũng cho rằng, với biến chủng Omircon, việc ngăn cản lây lan rất khó khăn, nhưng chúng ta phải hạn chế tốc độ để cho việc lây nhiễm chậm lại. “Điều này rất quan trọng, vì phải có giai đoạn chờ để không bị quá tải y tế. Lây càng nhiều thì miễn dịch cộng đồng càng nhanh, nhưng phải hạn chế tốc độ lây để không quá tải hệ thống y tế”, ông Phu nhấn mạnh.
Giải pháp hạn chế tốc độ lây lan của biến chủng Omicron, theo chuyên gia là người dân phải thực hiện nghiêm 5K, mở cửa các hoạt động để bình thường hóa nhưng không được thả cửa, phải có các phương án an toàn cho các hoạt động như: Lễ hội an toàn, du lịch an toàn, trường học an toàn… “Chúng ta bỏ việc cấm đoán sang kiểm soát rủi ro. Nới lỏng nhưng không buông xuôi, thả lỏng. Đồng bộ cho mở cửa các hoạt động nhưng cũng phải đồng bộ dự phòng”, ông Phu nói.
Theo nhận định của chuyên gia, ca mắc COVID-19 của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong một vài tuần tới, tuy nhiên có tỉnh, thành tăng nhưng cũng có nơi giảm. Hiện nay, hậu COVID-19 cũng là một vấn đề nan giải, nên theo khuyến cáo của ông Phu, chủng nào cũng tái nhiễm nhưng chưa rõ tỷ lệ tái nhiễm bao nhiêu. Vì vậy, người dân không được chủ quan, mà phải hết sức tuân thủ 5K, hạn chế đến nơi tụ tập đông người để phòng, chống bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron nênviệc thực hiện thông điệp 5K + vaccine + thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.