Bệnh sởi, ho gà bùng phát, có phải do khoảng trống miễn dịch?
Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Số ca mắc tăng dần trong những tuần gần đây, cụ thể tuần từ ngày 19-26/4 ghi nhận 15 ca mắc, tăng 14 ca so với tuần trước đó. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 60%); trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (72%).
Bên cạnh đó, bệnh sởi cũng bùng phát, đặc biệt ở thời điểm giao mùa. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội cũng ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận. Theo CDC Hà Nội, ca mắc sởi là bé gái 10 tuổi, trú tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi. Các chuyên gia cảnh báo, năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vaccine. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nước ta là rất cao bởi 3 lý do: Trong thời gian dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm vaccine sởi; năm trước, có những lúc thiếu vaccine sởi cục bộ; dù tỷ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao.
Ông Phu cho rằng, số trẻ không được bảo vệ bởi vaccine tăng dần qua các năm và thành một số lượng lớn, nên khi dịch xảy ra nguy cơ bùng phát là rất cao. Đây cũng là lý do vì sao giới chuyên môn thường nói tới chu kỳ dịch 4-5 năm/lần. Để phòng dịch, bên cạnh nhóm tiêm đúng lịch (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi), ngành y tế cần có kế hoạch tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng. Tương tự, ho gà cũng vậy, cần tiêm vét, tiêm bù cho trẻ để trẻ có đủ miễn dịch.
Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho rằng, tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch COVID-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao - trên 95% trong cộng đồng.
Theo CDC Hà Nội, hiện nay TP bảo đảm có đủ vaccine ho gà để tiêm phòng cho trẻ. Người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều. Ho gà là bệnh không có miễn dịch trọn đời, nên cần duy trì tiêm mũi nhắc lại với các mốc thời gian được Bộ Y tế khuyến cáo. Để lấp đầy khoảng trống miễn dịch của trẻ, cần nhất vẫn phải đủ vaccine đối với các bệnh có vaccine dự phòng để triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; đồng thời tập trung đẩy mạnh điều tra tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ nhằm tập trung tiêm bù, tiêm vét để trẻ được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh.