Bệnh sẽ nặng hơn nếu cùng mắc COVID-19 và cúm A
Cúm A đang tăng cao bất thường ở phía Bắc, cùng với việc phát hiện thêm biến thể phụ BA.2.12.1 của Omicron, nhiều người lo ngại dịch chồng dịch.Tuy đến nay chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể, song chuyên gia lo ngại, vừa mắc cúm, vừa mắc COVID-19, sẽ làm cho hệ thống miễn dịch bị suy giảm và bệnh sẽ nặng hơn.
Trong 3 ngày liên tiếp (10-21/7), số ca mắc COVID-19 của nước ta liên tục tăng cao, cụ thể ngày 21/7 lên tới gần 1.300 F0, cao nhất trong gần 2 tháng qua. 6 tháng đầu năm 2022, miền Bắc ghi nhận 7 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 95% số ca bệnh từ đầu dịch đến nay. Về kết quả giải trình tự gen ở phía Bắc, trong số hơn 360 mẫu được giám sát từ đầu năm thì phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Từ tháng 6, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.
Còn tại phía Nam, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gen do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thực hiện trong tuần qua, biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là BA.4, BA.5, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1 tại cộng đồng. Kết quả giải trình tự gene cho thấy, những tuần trước, biến thể phụ BA.2 chiếm chủ yếu tại khu vực phía Nam.Tuy nhiên, 3-4 tuần gần đây lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta làm tăng số ca mắc ở các tỉnh phía Nam.
Theo chuyên gia nhận định, việc nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 làm tăng ca mắc, nay lại thêm biến thể phụ BA.2.12.1 ở phía Nam, dự báo số ca mắc mới sẽ còn tăng khi người dân vẫn chủ quan, tiêm mũi vaccine cơ bản xong không thực hiện biện pháp phòng dịch, không tiêm vaccine mũi nhắc lại… Theo y văn thế giới, biến thể phụ BA.4 và BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với biến thể gốc của Omicron. Biến thể phụ BA.2.12.1 có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn. Việc tăng ca mắc mới sẽ làm gia tăng ca nhập viện, tăng ca nặng và tăng tử vong.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, phải làm tốt công tác phòng bệnh bằng cách đẩy nhanh tiêm vaccine mũi bổ sung, mũi tăng cường, đeo khẩu trang ở nơi có nguy cơ cao. PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, đến thời điểm hiện tại, các nhánh BA.4 và BA.5 của Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn. Chưa có bằng chứng nào cho thấy độc lực của nó cao hơn nhưng với tỉ lệ mắc cao thì chắc chắn số nhập viện cũng sẽ tăng tương ứng. Những vaccine hiện tại đang sử dụng tuy không đảm bảo khả năng phòng nhiễm nhưng vẫn có hiệu quả chống lại thể nặng và nhập viện của các biến thể BA.4 và BA.5, BA.2.12.1. Vì vậy, vaccine hiện tại vẫn được coi là phương án tối ưu cho phòng, chống COVID-19.
Cúm A đang bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Bắc. Tăng mạnh là Hà Nội hơn 2.600 ca trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh 1.200 ca; chưa ghi nhận tử vong. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 2 tuần gần đây bệnh viện khám và điều trị cho gần 100 bệnh nhân cúm A, đặc biệt là "ổ" cúm A 20 người ở một khu công nghiệp của huyện Đông Anh. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% biểu hiện viêm não. Tại Hà Nội đã ghi nhận ca bệnh nặng phải thở máy; tại Bệnh viện Nhi Trung ương có bệnh nhi đã phải can thiệp ECMO.
Còn theo thống kê tại Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC từ ngày 1 đến ngày 18/7 có 4.887 trường hợp làm xét nghiệm cúm, trong đó số ca dương tính là 2.377 ca, gồm phát hiện 2.313 ca mắc cúm A (chiếm 97%) và 62 ca phát hiện mắc cúm B (chiếm 3%). Nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất là trên 18 tuổi chiếm 49,85%, sau đó là độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi chiếm 32,27%, từ 6-18 tuổi chiếm 17,37% và chiếm tỷ lệ thấp nhất là dưới 1 tuổi (0.5%).
Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng do Bộ Y tế tổ chức vào chiều 21/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, số mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả. Đến nay Việt Nam chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.
Hiện có 4 dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam là COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng và cúm, nguy cơ dịch chồng dịch là rất lớn. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, đến nay chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể người bệnh đồng thời mắc COVID-19 và mắc cúm, tuy nhiên, nếu mắc hai bệnh cùng lúc, sẽ làm cho hệ thống miễn dịch bị suy giảm và bệnh sẽ nặng hơn. Việc suy giảm miễn dịch nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Vì vậy, theo khuyến cáo của chuyên gia, người dân phải áp dụng biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang ở nơi có nguy cơ cao, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tiêm vaccine cúm hàng năm và tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường, mũi bổ sung.