Bé gái mắc hội chứng hậu COVID-19 nguy kịch với hai bệnh cảnh đối nghịch

Thứ Tư, 02/03/2022, 15:03

Bé gái tên: P.N.Q (10 tuổi, ngụ tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vừa sốt xuất huyết (gây chảy máu), vừa viêm đa hệ thống hậu COVID-19 (tăng đông máu), là hai bệnh cảnh đối nghịch nhau gây khó khăn cho điều trị. Êkip các bác sĩ Bệnh viện viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã cấp cứu thành công.

Ghi nhận từ Bệnh viện cho thấy, bé Q nhập viện trong tình trạng sốt cao, lạnh run, đừ người, ăn uống ít và nôn ói, chăm sóc tại nhà không bớt. Đến ngày thứ ba, bé sốt cao và mệt nhiều hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh, Trưởng Khoa Nhi cho biết, xét nghiệm ghi nhận tình trạng tiểu cầu giảm, chỉ số cảnh báo tình trạng viêm tăng ở mức rất cao, tăng men gan, có hồng cầu và protein trong nước tiểu, dương tính với sốt xuất huyết. Người nhà cho biết bé nhiễm COVID-19 vào cuối tháng 11/2021. Chi tiết này khiến các bác sĩ nghi ngờ bé mắc thêm hội chứng hậu COVID-19.

Các xét nghiệm cho thấy, bé mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19, gây tổn thương toàn bộ hệ thống cơ quan: gan, thận, phổi, não, huyết học...

Tình trạng của bé tiên lượng xấu, nguy hiểm vì có nguy cơ tăng đông máu, có thể dẫn đến tình trạng tắc mạch não, tắc mạch phổi, mạch vành, hoặc tắc mạch máu trong cơ thể ở bất kỳ cơ quan nào.

Bé gái mắc hội chứng hậu COVID-19 nguy kịch với hai bệnh cảnh đối nghịch  -0
Hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19 ở trẻ là một trong biến chứng nặng ở trẻ em cần được phát hiện, chữa trị kịp thời. 

Nhưng lo ngại nhất là bệnh cảnh của bé có hai tình trạng đối nghịch nhau. Sốt xuất huyết khiến tiểu cầu giảm với những triệu chứng chảy máu, xuất huyết ngoài da; còn MIS-C lại gây tăng đông máu. Nếu dùng thuốc kháng đông máu thì nguy cơ chảy máu nhiều hơn, làm nặng hơn tình trạng sốt xuất huyết. Còn nếu chậm trễ chữa trị, MIS-C có thể diễn tiến nặng hơn. Tình huống đặc biệt này khiến ê kíp điều trị phải cân nhắc, theo dõi sát tình trạng bệnh nhi mỗi ngày và chọn thời điểm phù hợp để chỉ định điều trị hợp lý.

Sau 4 ngày nỗ lực của êkip bác sĩ, tiểu cầu của bé bắt đầu tăng lên lại, các triệu chứng chảy máu giảm. Lúc này, bé được điều trị MIS-C. May mắn, bé đáp ứng tốt với thuốc tiêm nên chỉ sau 48 giờ, kiểm tra lại thì chỉ số về đông máu đã giảm nhanh một cách ngoạn mục. Theo dõi thêm 24 giờ tình trạng lâm sàng ổn định, bé vừa được xuất viện.

Bác sĩ khuyến cáo những triệu chứng COVID-19 của trẻ em thường rất nhẹ và thoáng qua trong vài ngày như sốt, ho húng hắng, sổ mũi, ói, đau bụng, tiêu chảy... hoặc không có triệu chứng rồi tự khỏi. Tuy nhiên, phụ huynh không nên chủ quan, cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa khi trẻ có biểu hiện bệnh. Sau khi khỏi COVID-19, bé xuất hiện các biểu hiện như ho, sốt hay rối loạn tiêu hóa... có thể liên quan di chứng. Giải pháp vaccine là biện pháp phòng ngừa mắc COVID-19, qua đó giảm nguy cơ mắc MIS-C ở trẻ em. Bác sĩ Thanh dẫn một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trẻ em 12-18 tuổi đã tiêm hai liều vaccine có thể ngăn ngừa được MIS-C đến 91%. Trẻ không tiêm vaccine mắc biến chứng MIS-C cao hơn rất nhiều, trong đó số trẻ diễn tiến nặng cần chăm sóc đặc biệt tại hồi sức tích cực chiếm tỷ lệ cao.

Hội chứng viêm đa hệ thống được Bộ Y tế ghi nhận là một trong các biến chứng hậu COVID-19 nặng ở trẻ em, có xu hướng tăng và đưa vào phác đồ điều trị. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm: sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, đỏ da, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể giãn.

Huyền Nga
.
.
.