Bắt đầu thực hiện phiếu hẹn khám lại, giấy chuyển viện bằng điện tử

Thứ Năm, 02/01/2025, 13:07

Việc triển khai phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử và phiếu hẹn khám lại điện tử sẽ giúp công khai, minh bạch việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh, đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người bệnh.

Sáng 2/1, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo phổ biến các nội dung Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 tới các cơ sở y tế trên cả nước.

Hạn chế gian lận, giả mạo giấy chuyển tuyến, tái khám

Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt khoảng 94% dân số, số lượt khám bệnh, chữa bệnh BHYT khoảng trên 180 triệu lượt với số chi ước khoảng 142.000 tỷ đồng.

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BYT thay thế Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT để khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc thời gian qua trong thực hiện thông tư số 40, đồng thời đồng bộ với các quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo BHYT.

Thông tư  01 có nhiều điểm mới, chưa từng có tiền lệ trong hệ thống văn bản BHYT.

Thực hiện phiếu hẹn khám lại, giấy chuyển viện bằng điện tử -0
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Thông tư 01 ban hành danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng theo quy định, trong đó có danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu; danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản; danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký phiếu chuyển thay cho việc giấy chuyển hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch.

"Những quy định mới này nhằm cụ thể hóa tinh thần cải cách hành chính, cải cách thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đồng thời, Thông tư quy định về cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu; chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT.

Đặc biệt, Thông tư 01 quy định việc sử dụng phiếu hẹn khám lại, phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng cả bản giấy và bản điện tử nhằm thể chế hóa giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại điện tử được thí điểm tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử Quốc gia VNeID của Bộ Công an theo nhiệm vụ của Đề án 06/CP của Chính phủ thời gian qua.

Theo số liệu do BHXH Việt Nam cung cấp, đến cuối năm 2024, cả nước đã có hơn 1,5 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 5 triệu giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam, trong đó đã đồng bộ sang Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục C06 Bộ Công an được gần 600.000 giấy chuyển tuyến BHYT và khoảng 2,1 triệu giấy hẹn khám lại để hiển thị lên ứng dụng VNeID.

"Việc triển khai phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT điện tử và phiếu hẹn khám lại điện tử sẽ giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở KCB khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển người bệnh, tái khám, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tái khám", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Thay đổi nơi tạm trú, lưu trú vẫn được hưởng 100% BHYT

Theo quy định mới, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu, cấp cơ bản khác nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu không phân biệt địa giới hành chính.

Cụ thể, trường hợp người đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu (tại cơ sở y tế cấp chuyên sâu và cấp cơ bản) khi khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu do thay đổi nơi tạm trú, nơi lưu trú thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế cấp cơ bản phù hợp với nơi tạm trú, lưu trú mới và được quỹ BHYT thanh toán như đúng tuyến.

Thực hiện phiếu hẹn khám lại, giấy chuyển viện bằng điện tử -0
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT giải đáp câu hỏi của đại diện các bệnh viện.

Theo đó, người tham gia BHYT thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày, đã thực hiện khai báo thông tin lưu trú theo quy định khi khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu sẽ được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh.

Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết tại gia đình hoặc trong thời gian thực hành, thực tập, đi học tại tỉnh khác; đối tượng người lao động trong thời gian nghỉ phép tại gia đình, người đi công tác đến các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác…

Quy định mới về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu chủ yếu ở cấp khám chữa bệnh ban đầu, một phần ở cấp cơ bản, để hạn chế đăng ký ở cấp chuyên sâu. Quy định chuyển cơ sở KCB BHYT theo hướng cải cách thủ tục, thuận tiện cho người bệnh.

Đặc biệt, các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn cho người bệnh về quyền lợi, các bệnh được lên thẳng cấp cơ bản, chuyên sâu, công khai kết quả xếp cấp chuyên môn kỹ thuật và số điểm trên trang thông tin điện tử để người dân biết...

Vì sao nhiều bệnh ung thư không được lên thẳng tuyến trên?

Rất nhiều người đặt câu hỏi này khi trong danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được chuyển thẳng tuyến chuyên sâu mà không cần giấy chuyển viện.

Nhiều bệnh nhân ung cho biết, những bệnh ung thư phổ biến như: Phổi, gan, vú, dạ dày, đại tràng, trực tràng, tuyến tiền liệt, vòm họng và tuyến giáp... không có trong danh mục được chuyển thẳng lên tuyến trên. 

Theo bà Trần Thị Trang, việc ban hành danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được lên thẳng bệnh viện chuyên sâu; danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được khám chữa bệnh tại cơ sở cấp cơ bản; danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 1 năm là quy định đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai, góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh.

Thực hiện phiếu hẹn khám lại, giấy chuyển viện bằng điện tử -0
62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến mà được lên thẳng tuyến trung ương.

Điều này cũng giúp tiết kiệm được những chi phí cần phải thực hiện ở tuyến dưới chỉ để chuyển người bệnh lên tuyến trên và các chi phí khác liên quan đến thân nhân người bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị, góp phần sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Đồng thời, quy định danh mục các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được chuyển cấp ban đầu để quản lý và được hưởng các quyền lợi về thuốc, thiết bị y tế theo chỉ định chuyên môn của cơ sở cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Quy định này vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh được quản lý, theo dõi bệnh và sử dụng thuốc, thiết bị y tế mới, có chất lượng và hệ thống y tế cơ sở có điều kiện hơn để phát triển chuyên môn kỹ thuật.

Còn đối với nhiều loại bệnh ung thư khác không được chuyển thẳng lên bệnh viện chuyên sâu, đại diện Vụ BHYT cho biết, những bệnh ung thư tuyến dưới đã làm được sẽ không được thông tuyến, để tránh mất thời gian, tốn kém cho người bệnh và quá tải cho tuyến trung ương.

Trần Hằng
.
.
.