Bất chấp nguy cơ tử vong vì liên cầu lợn, nhiều người vẫn ăn tiết canh lợn
Vừa qua, tại Hà Nội và Quảng Ninh ghi nhận 2 ca bệnh liên cầu lợn. Đây là căn bệnh 80% liên quan đến ăn tiết canh lợn, thịt lợn chưa nấu chín có thể gây tử vong. Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống căn bệnh này.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 226/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị các đơn vị trực thuộc khẩn trương, chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người.
Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố.
Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp nhận điều trị và cứu sống nam bệnh nhân mang quốc tịch Trung Quốc từ TP Móng Cái chuyển đến. Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, nhiễm trùng đường mật.
Vào cuối tháng 2/2023, trên địa bàn Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm, đó là nam bệnh nhân 52 tuổi ở quận Hà Đông, làm nghề bán lòng lợn tiết canh.
Bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên; là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, ở những nơi chăn nuôi lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60%-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.
Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Trong hai năm 2005 - 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh...