Bao giờ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc?

Chủ Nhật, 21/07/2024, 07:08

Bệnh viện không giấy tờ là lộ trình mà Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai trên toàn quốc. Mỗi người dân có một sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID, mỗi năm tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho người bệnh, cho bệnh viện. Đến nay cả nước mới thí điểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành, Bộ Y tế đang thúc đẩy nhanh quá trình này để nhân rộng trên toàn quốc.

Bắt đầu từ tháng 11/2023, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm tích hợp sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID. Từ đó đến nay, TP đã kết nối thí điểm liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa, 297 trạm y tế với hơn 3,5 triệu hồ sơ đã được chuyển thành công lên cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng sổ sức khỏe điện tử trong thời gian qua đã tiết kiệm khoảng 83 tỷ đồng và các chi phí phát sinh khác.

beì£ì‚nh aìn ä‘t 8.jpg -0
Nỗ lực triển khai bệnh án điện tử, tiến tới các bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.

TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cũng cho biết, mặc dù chưa hoàn thành bệnh án điện tử, nhưng Bệnh viện E đã bỏ in phim đối với khối khám chữa bệnh không sử dụng BHYT, mỗi tháng tiết kiệm được 200 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, nếu hoàn thành bệnh án điện tử và triển khai, sẽ bỏ được in phim đối với khối khám BHYT, sẽ tiết kiệm nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu từ 8/7 đã không in giấy các chỉ định chuyên môn (chụp chiếu) và từ tháng 8 tới đây cũng sẽ không in phim. Riêng việc không in phim, mỗi năm cũng tiết kiệm cho bệnh viện và người bệnh khoảng 30 tỷ đồng. Cũng trong tháng 8, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai thí điểm bệnh án điện tử trước khi triển khai trong toàn bệnh viện trong năm 2024.

Theo Bộ Y tế, trên cơ sở đánh giá thành công của Hà Nội, để triển khai rộng rãi trên toàn quốc, ngày 21/5/2024, Bộ Y tế đã ban hành sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và các địa phương, đơn vị liên quan đang mở rộng hỗ trợ các địa phương khác triển khai thiết lập và quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử, gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ngãi… Không những thế, Bộ Y tế còn tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID trong chuyển tuyến khám chữa bệnh, dự kiến liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trong chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện công lập đã và đang triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó có bệnh viện triển khai song song cả sổ khám bệnh. Theo Sở Y tế TP, dự kiến 90% người dân TP Hồ Chí Minh sẽ được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong thời gian tới. Đến năm 2025, mỗi người dân TP Hồ Chí Minh đều có hồ sơ sức khỏe điện tử. Việc liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả nước sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, bảo đảm đáp ứng về hạ tầng, an toàn và bảo mật thông tin và theo lộ trình triển khai chung của Bộ Y tế và Đề án 06 của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế (Bộ Y tế), hồ sơ sức khỏe điện tử đang được triển khai tại một số tỉnh, TP và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác khám, chữa bệnh. Hồ sơ sức khỏe điện tử gồm dữ liệu và ứng dụng. Trong đó, có nhiều ứng dụng hiển thị dữ liệu. Một trong những ứng dụng đang thí điểm hiện nay là VNeID – sổ sức khỏe điện tử. Dữ liệu được chia sẻ chính là dữ liệu từ Bộ Y tế đã thu thập, đồng bộ và các thông tin nền tảng công dân do Bộ Công an cung cấp. Hiện, Trung tâm vẫn đang tiếp tục triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, thu thập dữ liệu về sức khỏe, BHYT của người dân, trên cơ sở đó sẽ đẩy các dữ liệu nền tảng này sang các ứng dụng, trong đó có VNeID. Tiến tới, ứng dụng này sẽ thay thế hoàn toàn sổ khám bệnh và bệnh án điện tử. Sau khi thí điểm ở Hà Nội và một số tỉnh, Bộ Y tế sẽ có đánh giá tính khả thi và các yếu tố để triển khai, sau đó nhân rộng ra toàn quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã đề nghị triển khai thí điểm trong toàn quốc việc giấy chuyển tuyến BHYT điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc căn cước công dân gắn chíp để thực hiện thủ tục khám lại, chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, không cần yêu cầu người bệnh xuất trình các giấy tờ bắt đầu từ ngày 1/7/2024. Mỗi người dân sẽ có một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới kết nối, liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế, tạo thuận lợi cho cán bộ y tế trong chẩn đoán, điều trị bệnh, người dân theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân.

Tuy nhiên, người dân cũng đặt câu hỏi, hồ sơ sức khỏe điện tử đã triển khai được 5 năm, nhưng đến nay vẫn trong giai đoạn thí điểm, theo lộ trình phải hoàn thành trước năm 2031, liệu có kịp hay không? Ông Nguyễn Trường Nam cho rằng, để hoàn thành đúng tiến độ, quan trọng nhất là các bệnh viện phải quyết liệt, nhìn thấy được hiệu quả của sổ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử để chung tay thực hiện. Bên cạnh đó, cần có đầy đủ dữ liệu thông tin của công dân về BHYT, hồ sơ khám chữa bệnh trước đó.

Theo Bộ Y tế, đến nay, Sở Y tế các tỉnh, TP triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe, có hơn 85 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử được cấp. Để thúc đẩy tiến độ, Bộ Y tế đang tích cực triển khai, tập huấn cho các cơ sở y tế. Khi các tỉnh thí điểm thành công tiến tới vận hành vào khám, chữa bệnh, lúc đó việc triển khai trên cả nước sẽ nhanh chóng hơn. Theo nhiều chuyên gia, để hoàn thành sớm được hồ sơ sức khỏe điện tử, thì phải có cuộc “điều tra” sức khỏe toàn dân để tất cả công dân phải có thông tin về tình hình sức khỏe, mã sổ BHYT, tiền sử bệnh tật. Trong điều kiện hiện nay, việc “điều tra” này sẽ có khó khăn, dẫn đến số liệu đưa vào sổ sức khỏe điện tử còn hạn chế. Đồng thời, khó khăn hơn với người cao tuổi không sử dụng thiết bị thông minh. Vì vậy, có bệnh viện sẽ vẫn phải sử dụng sổ khám bệnh giấy.

Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện, triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử để được đối chiếu thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cập nhật thường xuyên, lưu lại thông tin về tình trạng sức khỏe người dân trong suốt cuộc đời.

Trần Hằng
.
.
.