Nở rộ “bác sĩ online” chữa tự kỷ và hậu quả tiền mất, tật mang

Bài 1: Chữa bệnh mập mờ, chuyên môn không được kiểm soát

Thứ Ba, 23/07/2024, 08:32

Trào lưu chữa bệnh và bán thuốc online không được kiểm soát, không được kiểm chứng giấy phép hành nghề, hay của những chuyên gia “rởm” đang gây ra hệ lụy nguy hiểm khi trẻ bị bệnh nhưng phụ huynh không đưa con tới viện để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán mà lại tin vào những “chuyên gia”, “bác sĩ” trên mạng...

Giai đoạn vàng của trẻ mắc chứng tự kỷ là phát hiện sớm và trị liệu khi trẻ 24 tháng tuổi - đây là thời điểm chẩn đoán rõ nhất. Nếu như nhiều năm trước, trẻ tự kỷ được phát hiện muộn thì hiện nay, khi truyền thông về bệnh tự kỷ phát triển, tình trạng này đã giảm. Nhiều trẻ 17-18 tháng tuổi chưa biết nói, cha mẹ đã cho con đi khám. Bên cạnh những phụ huynh đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và trị liệu, còn rất nhiều bà mẹ nghi ngờ con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ lại nghe theo những “bác sĩ”, “chuyên gia rởm” trên mạng, đưa con đi chữa bệnh một cách phản khoa học. Có bác sĩ không chuyên khoa tâm thần nhưng tư vấn chữa tự kỷ sai lệch và hướng đến bán thuốc thu lợi nhuận, đã khiến nhiều trẻ bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị.

Sau chẩn đoán phản khoa học là bán thực phẩm chức năng

Con hơn 2 tuổi vẫn chưa bập bẹ được từ đơn, gọi hỏi gần như không quay đầu đáp lại, nghe tiếng động thì sợ hãi nấp sau cánh cửa…, những biểu hiện cho thấy con có dấu hiệu của chứng rối loạn phổ tự kỷ, chị Nguyễn Diệu Thuý (Hà Nội) lên mạng tìm hiểu. Qua đó, chị biết tới bác sĩ N.V.H ở Hưng Yên. Vào xem các bài hướng dẫn của vị bác sĩ này đăng trên tiktok, youtube và fanpage đều thấy quảng cáo về chữa tự kỷ hiệu quả nên chị Thúy tin tưởng nghe theo.

“Bác sĩ còn kèm bán thuốc cho trẻ tự kỷ, chậm nói, giảm chú ý, rối loạn ngôn ngữ và bác sĩ có phòng khám ở cả Hà Nội, Hưng Yên. Nhưng mấy tháng gần đây, bác sĩ không khám ở Hà Nội nữa”, chị Thuý cho biết. Theo vị phụ huynh này, sai lầm lớn nhất là chị đã cho con khám và theo đuổi phương pháp chữa phổ tự kỷ của bác sĩ này hơn 1 năm nhưng không có hiệu quả. Gần 4 tuổi chị mới đưa con đến Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám thì đã qua “giai đoạn vàng” chẩn đoán và can thiệp, khiến chứng bệnh của con nặng hơn và điều trị khó khăn hơn rất nhiều. Đúng là “tiền mất, tật mang”!

Bài 1: Chữa bệnh mập mờ, chuyên môn không được kiểm soát -0
Nhiều bệnh nhi sau khi chữa tự kỷ bởi các “bác sĩ”, “chuyên gia” trên mạng không đỡ mới tới Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. (Ảnh minh họa)

Theo thông tin giới thiệu trên trang cá nhân, ông H là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, nhưng lại có rất nhiều bài chia sẻ sai lệch về chẩn đoán và điều trị rối loạn phổ tự kỷ trên mạng. Ông H cũng quảng cáo đã điều trị cho rất nhiều trẻ tự kỷ và trẻ thay đổi ngoạn mục chỉ 1 tháng, trong khi trước đó các bé này đi học can thiệp và điều trị ở nhiều nơi. Chẳng hạn như bé trai 4 tuổi (Thường Tín, Hà Nội) bị rối loạn phổ tự kỷ, khi đến với bác sĩ chỉ nói được từ “măm măm”, nhận thức hạn chế, gọi không quay lại. Sau 1 tháng điều trị, trẻ đã nói được các từ đơn, sai được việc, gọi đã quay lại tốt. Hay có rất nhiều bố mẹ ở trong Nam theo phương pháp của bác sĩ điều trị cho con. Có nhiều bố mẹ ở xa chưa nhắn tin cho bác sĩ bao giờ, nhưng nghe bác sĩ điều trị có hiệu quả đã tìm đến…

Đặc biệt, bác sĩ H còn lên mạng khuyên cha mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ không nên cho con ăn những chế phẩm chứa thành phần canxi gluten có trong sữa bò, sữa dê, sữa cừu, sữa chua, váng sữa mà chuyển sang sữa hạt vì ăn sữa hạt sẽ thấy trẻ giảm tăng động, dễ ngủ, không táo bón và đỡ nghịch hơn rất nhiều. Sau lời khuyên, bác sĩ H quảng cáo hình ảnh loại sữa hạt cho các bà mẹ có con tự kỷ, loại sữa này chứa từ 12 loại hạt khác nhau và khẳng định nó hoàn toàn có thể thay thế sữa công thức, có đầy đủ chất chữa dinh dưỡng mà phụ huynh không phải lo thiếu chất.

Theo chia sẻ của vị bác sĩ này trên mạng, ông có 3 cách điều trị cho trẻ tăng động, rối loạn phổ tự kỷ như “kiềng 3 chân” gồm: Điều chỉnh chế độ ăn, uống và sinh hoạt; phương pháp giáo dục; dùng thuốc bác sĩ kê. Đặc biệt, không ít phụ huynh nghe tuyên truyền về biện pháp chữa tự kỷ bằng cách “cắt thắng lưỡi” và tìm đến phòng khám để thực hiện cho con. Hoặc bác sĩ này hướng dẫn phụ huynh chữa tự kỷ cho con bằng cách cho đi bộ chân trần 1-2h/ngày vì “tương đương can thiệp cá nhân 1-2h”.

Một vị phụ huynh có con bị rối loạn phổ tự kỷ cũng cho con đến bác sĩ H để “cắt thắng lưỡi” mong con nói được. Nhưng đợi mãi không thấy con bập bẹ thì người mẹ này mới đưa con tới Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Tại đây chị được bác sĩ cho biết, cắt thắng lưỡi không phải là phương pháp để chữa rối loạn phổ tự kỷ và cũng không giúp trẻ nói được. Người mẹ vô cùng hối hận khi nghe và tin theo bác sĩ trên mạng, không có chuyên môn, gây hậu quả cho con.

Một bác sĩ chuyên khoa tâm thần ở Hà Nội cho biết, sau khi xem những thông tin tư vấn, hướng dẫn điều trị tự kỷ sai lệch, phản khoa học của bác sĩ H, anh đã nhiều lần nhắn tin nhắc nhở bác sĩ này hãy làm đúng chuyên môn của mình. Từ tháng 10/2023, bác sĩ H không khám tại Hà Nội và hoạt động trên mạng ít hơn, tuy nhiên, thỉnh thoảng bác sĩ này vẫn lên mạng và không xóa, gỡ bỏ các video sai lệch, cũng không lên tiếng nhận sai.

Trong vai một bà mẹ có con nghi mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, chúng tôi liên hệ với bác sĩ H và được ông này cho biết, ông vẫn chữa tự kỷ cho trẻ tại phòng khám ở Hưng Yên. Sau đó, vị bác sĩ nhắn tin gửi định vị địa chỉ phòng khám cho tôi, thông tin về giờ khám và hẹn phụ huynh đưa con đến để bác sĩ test.

Nhiều hệ lụy nguy hiểm

Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, không chỉ bác sĩ H, tại Hà Nội còn có “bác sĩ” T.Q.H thường chia sẻ về vấn đề tâm thần và bán hàng (thuốc, thực phẩm) trên tiktok. Vị “bác sĩ” này có nhiều bài viết, video chia sẻ về vấn đề biếng ăn, giới thiệu siro ăn ngon của châu Âu. Lần theo số điện thoại và địa chỉ phòng khám mà “bác sĩ” này làm việc trên đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chúng tôi tìm đến và được nhân viên phòng khám khẳng định “bác sĩ” T.Q.H có chẩn đoán và điều trị tự kỷ, tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, hiện tại, “bác sĩ” đang livestream và hẹn buổi khác dẫn trẻ đến khám để bác sĩ test trực tiếp, trước khi đến phải gọi điện đặt lịch. “Hôm trước có một phụ huynh ở Yên Bái đưa con đến khám nhưng do không hẹn trước nên không gặp được bác sĩ”, nữ nhân viên cho biết.

Giải thích với tôi, nữ nhân viên cho biết thêm, nếu trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, bác sĩ H sẽ chẩn đoán trẻ ở giai đoạn nào và từ đó đưa ra liệu trình điều trị. Một liệu trình thường từ 3-6 tháng tuỳ tình trạng, bao gồm điều trị bằng thuốc, nếu ở xa sẽ tư vấn qua zalo. Có một số trường hợp phải học lớp can thiệp bên ngoài. Khi tôi hỏi chuyên môn của bác sĩ H, nữ nhân viên cho biết: “Bác là bác sĩ nhi, nhưng có thêm mảng tư vấn tâm lý”. Không chỉ nhận là “bác sĩ” chữa tự kỷ, mà vị “bác sĩ” này còn “bắt bệnh” online và giới thiệu nhiều loại thuốc, thực phẩm, vitamin và khuyên cha mẹ nên dùng cho trẻ…

Sự bùng nổ của những người xưng là “chuyên gia”, “bác sĩ” chữa bệnh online thời gian qua đã khiến không ít bố mẹ tin và nghe theo, dẫn đến hiểu biết sai lệch về phương pháp nuôi con cũng như khám chữa bệnh. Trào lưu chữa bệnh và bán thuốc online không được kiểm soát, không được kiểm chứng giấy phép hành nghề, hay của những chuyên gia “rởm” đang gây ra hệ lụy nguy hiểm khi trẻ bị bệnh nhưng phụ huynh không đưa con tới viện để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán mà lại tin vào những “chuyên gia”, “bác sĩ” trên mạng.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội), chúng ta không thể phát ngôn tuỳ tiện trên không gian mạng, đặc biệt là những người có uy tín, nhân danh nghề nghiệp của mình. Hậu quả pháp lý của việc phát ngôn này nếu ở mức xử phạt hành chính có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức; nếu bị xử lý hình sự có thể bị cải tạo không giam giữ 3 năm; nếu phát ngôn đó dẫn đến hành vi trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hình phạt cao nhất là 20 năm tù, hoặc tù chung thân.

Trần Hằng
.
.
.