Áp dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể, cứu sống 2 bệnh nhân nguy kịch

Thứ Sáu, 01/09/2023, 10:13

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ của Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thành công kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể trên 2 bệnh nhân mắc bệnh phổi rất nặng, mở ra nhiều hy vọng cho các bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Ông N.V.C (76 tuổi) vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai vì đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có biến chứng tràn khí màng phổi. Trước đó, khi đang đi bộ, ông bỗng thấy đau tức ngực trái và khó thở. Ông tự hít Ventolin (2 xịt) nhưng không đỡ khó thở. 4 tiếng sau, ông được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Trong quá trình điều trị, bệnh diễn biến nặng, ông bị tràn khí màng phổi, được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực.

Theo TS.BS Bùi Văn Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, với bệnh nhân COPD cấp, phổi đang trong giai đoạn tổn thương nặng, kèm theo bệnh nhân có tràn khí màng phổi nên việc cài đặt và điều chỉnh máy thở rất khó khăn, đặc biệt là khi bệnh nhân có tình trạng CO2 trong máu tăng cao.

Do vậy, bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể, nhờ đó, sẽ giúp tình trạng tăng CO2 trong máu được kiểm soát dễ dàng, giúp bác sĩ điều chỉnh thông số máy thở dễ hơn, giảm hỗ trợ máy thở và giúp cho phổi nghỉ ngơi.

Áp dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể, cứu sống 2 bệnh nhân nguy kịch -0
Hai bệnh nhân đầu tiên được cứu sống nhờ triển khai kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể.

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, được rút ống nội khí quản, tự thở được khí phòng và ngày 23/8, bệnh nhân đã được chuyển đến Trung tâm Hô hấp để tiếp tục điều trị bệnh phổi mạn tính.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam 40 tuổi, được chẩn đoán viêm phổi nặng, biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển). Bệnh nhân bị suy thận mạn do viêm cầu thận đã được ghép thận 6 năm nay và duy trì thuốc chống thải ghép.

Ngày 1/8, bệnh nhân xuất hiện sốt cơn, rét run, kèm theo ho khạc đờm và khó thở tăng dần, được điều trị 13 ngày tại cơ sở y tế tuyến dưới bằng kháng sinh, thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục nhưng tình trạng không cải thiện và ngày một tăng nặng nên đã được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS Bùi Văn Cường cho biết: ARDS là bệnh lý nặng và khó trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, giống như các bệnh nhân COVID -19 bị viêm phổi nặng. Khi phổi tổn thương nặng phải thở máy với chiến lược thông khí bảo vệ phổi. Trong trường hợp này máy thở hỗ trợ càng cao thì nguy cơ tổn thương phổi và CO2 trong máu bệnh nhân càng tăng lên và có nguy cơ nặng lên.

Do vậy, kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể giúp đào thải CO2 ra ngoài, thuận lợi cho bác sĩ dễ dàng cài đặt thông số máy thở thấp xuống, giảm nguy cơ gánh nặng cho phổi của bệnh nhân và giúp cho phổi nghỉ ngơi nhiều hơn.

Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể là một kỹ thuật mới trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, được chỉ định trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hoặc các trường hợp tăng CO2 máu không đáp ứng với biện pháp thông khí nhân tạo trong một số bệnh lý. 

Trên thế giới, kỹ thuật này đã được triển khai một thời gian, thành công tại châu Âu và Mỹ. Qua các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, các bác sĩ của Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai đã không ngừng học hỏi để triển khai kỹ thuật này tại Việt Nam và đây là 2 bệnh nhân đầu tiên của nước ta được thụ hưởng kỹ thuật này.

 PGS.TS.BS Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đã có kinh nghiệm bước đầu rất khả quan khi triển khai kỹ thuật này trên 2 nhóm bệnh. Với việc sử dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể qua đường tĩnh mạch thì mức độ tổn thương về mạch máu, các biến chứng có thể xảy ra sẽ ít gặp hơn. Từ trường hợp này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân viêm phổi cấp tiến triển và COPD, có thể triển khai được rộng hơn từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh. Trong tương lai, khi việc áp dụng rộng rãi hơn với chi phí hợp lý, chúng tôi có thể triển khai trên nhiều nhóm bệnh khác nhau, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch”.

Tr.Hằng
.
.
.