Ăn hải sản sống, coi chừng mắc “vi khuẩn ăn thịt người”

Thứ Hai, 11/09/2023, 08:07

Đã có nhiều ngư dân, kể cả thủ thuỷ người nước ngoài hoạt động trên các vùng biển phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định… suýt mất mạng bởi vi khuẩn ăn thịt người có tên Vibrio vulnificus khi ăn hải sản sống, hoặc đánh bắt hải sản ở vùng cửa biển có “vi khuẩn ăn thịt người” và xâm nhập vào vết thương hở.

Chứng kiến những nốt phỏng dẫn tới tím đen, xuất huyết, hoại tử trên cơ thể sau khi nhiễm vi khuẩn này, nhiều người không khỏi rùng mình, song thực đơn các món hàu, ngán, tôm sống, tái… vẫn được lựa chọn tại các bữa ăn, nhà hàng hàng ngày.

Làm nghề đánh bắt hải sản trên biển, anh N.Đ.T (45 tuổi, trú tại phường Đại Yên, TP Hạ Long, Quảng Ninh) thường hay có thói quen chế biến món ăn (hàu, tôm, cá) chưa chín và đây được coi là những món khoái khẩu của cánh ngư dân mỗi khi tụ họp. Sau bữa ăn hải sản tái vào một ngày đầu tháng 9/2023, anh T. thấy đau nhiều vùng thắt lưng, hạn chế vận động kèm theo sốt, đau họng nhiều và được gia đình đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám. Anh được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp trên nền bệnh viêm gan B, tiên lượng bệnh rất nặng.

Ăn hải sản sống, coi chừng mắc “vi khuẩn ăn thịt người”  -0
Ngư dân ở Quảng Ninh nhiễm vi khuẩn V.vulnificus điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Sau 6 ngày với các biện pháp điều trị hồi sức tích cực anh T. mới thoát sốc, tỉnh táo và dần phục hồi. BSCKI Nguyễn Thế Hưng - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị một số trường hợp bệnh nhân nguy kịch do vi khuẩn V.vulnificus.

Quảng Ninh là vùng biển, nhiều người dân có thói quen ăn hải sản sống, tái và dễ nhiễm vi khuẩn nguy hiểm này. Bệnh diễn biến nhanh, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng… thậm chí tử vong nhanh chóng. Đặc biệt, người có bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh gan mạn tính và suy giảm miễn dịch cũng như đang sử dụng các thuốc điều trị gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cần hết sức cẩn thận trước vi khuẩn này, bởi có thể xảy ra nhiễm khuẩn nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Trên thực tế, đã có rất nhiều người dân, đặc biệt là ngư dân sau khi ăn hải sản sống nhiễm vi khuẩn V.vulnificus. quá nặng, phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trung ương điều trị. Có người, vi khuẩn đã tạo thành những ổ mủ lớn, gây hoại tử trên diện rộng, cắt cụt chi; hoặc sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và tử vong...

Không chỉ ăn hải sản sống mới gặp loại “vi khuẩn ăn thịt người” này, mà những ngư dân làm việc tại các vùng cửa biển, cửa sông luôn có nguy cơ đe doạ; hoặc người bị vết thương khi tham gia các hoạt động trên biển như bơi lội, câu cá, cầm nắm hải sản cũng có thể nhiễm bệnh. Đã có trường hợp nhiễm bệnh qua vết thương rất nhỏ như vết đâm của đuôi con tôm, va phải vỏ hàu khi tắm biển, nhiễm trùng cũng có thể xảy ra do vết thương có từ trước.

Điển hình là ngư dân Lưu Công Ch. (62 tuổi, ở Giao Thuỷ, Nam Định) làm nghề nuôi tôm nước mặn. Khi thực hiện vét và vệ sinh khu vực nuôi tôm của gia đình, ông Ch. đã nhiễm phải vi khuẩn V.vulnificus qua vết thương hở ở chân. Do bệnh quá nặng, ông được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Do có tiền sử bệnh xơ gan nên việc điều trị cho ông rất khó khăn và lâu dài. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những năm gần đây, năm nào trung tâm cũng tiếp nhận ngư dân đi biển mắc phải vi khuẩn này và tỷ lệ tử vong rất cao.

Hàu sống vắt chanh, chấm với xì dầu và mù tạt là món ăn phổ biến trong các nhà hàng, tiệc buffet, quán ăn hải sản. Nhiều người có thói quen ăn hải sản sống như hàu sống, gỏi tôm, ngán sống… mà không hề biết rằng, vi khuẩn V.vulnificus (vi khuẩn gây bệnh của dịch tả) sống ký sinh trong các loài thuỷ sinh có vỏ như tôm, hàu, ngán… ở các vùng nước ấm như ven biển, cửa sông và ào, hồ nước lợ. Vi khuẩn này sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước đạt trên 20 độ C.

BS Nguyễn Sỹ Thấu, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện 108 cho biết, vi khuẩn V.vulnificus có thể gây hoại tử cân cơ rất nhanh, do đó còn được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”. Nguy hiểm hơn, bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn này gây tử vong cao, lên đến 50%, thậm chí 90% nếu bệnh nhân có sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp tại thời điểm nhập viện và thường tử vong trong 48h mặc dù được điều trị tích cực.

Các bác sĩ cho biết, tất cả mọi người đều có thể mắc vi khuẩn V.vulnificus. Vì vậy, theo khuyến cáo, người dân hãy từ bỏ món khoái khẩu như hàu sống, hải sản chưa được nấu chín; khi bị thương cần tránh tham gia các hoạt động có nguy cơ tiếp xúc với vết thương và vi khuẩn như tắm biển, câu cá biển, đánh bắt và chế biển hải sản.

Trần Hằng
.
.
.