Ăn côn trùng lạ, 3 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch
3 người ở Lạng Sơn sau khi ăn côn trùng lạ đã bị ngộ độc, 2 người tiên lượng rất nặng, đang phải cấp cứu lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Vào lúc 0h ngày 26/5, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 3 trường hợp ( 1 người trú tại huyện Văn Lãng, Lạng Sơn và 2 bệnh nhân trú tại huyện Ân Thi, Hưng Yên) vào cấp cứu trong tình trạng kích thích vật vã, đau nhiều vùng hạ vị và hai bên thắt lưng, nôn ra máu, phồng rộp niêm mạc vùng lưỡi, nước tiểu đỏ, ít.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó 6 tiếng đồng hồ, 3 người đã ăn 4 – 5 con côn trùng không rõ chủng loại. Sau ăn, người bệnh xuất hiện các dấu hiệu trên và được người nhà đưa đi cấp cứu.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, cùng với nhận dạng côn trùng người nhà bệnh nhân mang đến, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân ngộ độc do ăn sâu ban miêu, dẫn đến suy đa tạng.
Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí theo phác đồ ngộ độc của Bộ Y tế. Hiện tại, 3 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có 2 bệnh nhân tiên lượng rất nặng, phải lọc máu cấp cứu.
Sâu ban miêu có hình thái giống bọ xít, nhưng lại chứa chất cực độc không thể phân hủy dù chế biến ở nhiệt độ cao. Ăn phải sâu ban miêu, có thể tử vong.
Thành phần hóa học gây độc trong sâu ban miêu là cantharidin. Sau khi ăn sâu ban miêu, chất cantharidin tiếp xúc với da hoặc niêm mạc gây hiện tượng li gai, da niêm mạc tại vùng tiếp xúc bị tổn thương như bỏng hóa chất, sau đó hình thành phỏng nước và nguy cơ tiến triển thành nhiễm trùng.
Ngộ độc sâu ban miêu hiếm gặp nhưng rất nặng nề và gây khó khăn cho hầu hết các bác sĩ cấp cứu vì không có phác đồ điều trị rõ ràng. Theo ghi nhận nhiều năm trở lại đây, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.
Hàng năm, nước ta vẫn ghi nhận tình trạng ngộ độc do ăn sâu ban miêu. Vì vậy, các bác sĩ cảnh báo, người dân không được sử dụng sâu ban miêu làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.