Ăn bún mắm do vợ nấu, người đàn ông bị ngộ độc tử vong
Liên quan đến các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố Clostridium Botulium xảy ra cuối tháng 5 vừa qua, tại họp báo chiều 15/6, ông Nguyễn Văn Khuôn, Phó trưởng Phòng Y tế TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, người chồng bị nặng nhất đã tử vong do ăn bún mắm vợ nấu, các thành viên khác trong gia đình ăn ít nên bị nhẹ.
Có 7 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bún mắm và bánh mì chả lụa. Trong đó, phường Long Thạnh Mỹ có 4 người, phường Thạnh Mỹ Lợi 2 người, phường Cát Lái 1 người. Trong đó, 1 người tử vong là ông Phan Văn H. (SN 1978). Hiện tại 2 người được xuất viện sau khi điều trị và 3 người vẫn đang nằm viện điều trị.
Ông Phan Văn H. là người ăn bún mắm nhiều nhất so với những người trong gia đình, đã bị ngộ độc thực phẩm được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu trong tình trạng liệt cơ, phải thở máy, điều trị kháng sinh. Bệnh nhân bị biến chứng nặng và tử vong.
Công tác điều tra, truy vết hiện nay Công an TP Thủ Đức đang điều tra, xác minh trưng cầu giám định các đối tượng có liên quan.
Về công tác điều tra xác minh dịch tễ các trường hợp ngộ độc, 3 trường hợp không thể điều tra theo do các ca đều đang trong tình trạng hôn mê và 1 trường hợp đã tử vong nên không khai thác được thông tin ban đầu; không còn mẫu thực phẩm thừa tại thời điểm Đoàn kiểm tra, điều tra ngộ độc làm việc.
Điều tra 4 trường hợp, căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, thời gian khởi phát, kết quả điều tra dịch tễ và kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Quân Dân Miền Đông, Bệnh viện Nhi Đồng 2, báo cáo của Trung tâm Y tế về kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP Thủ Đức, UBND Thủ Đức nhận định trường hợp này là vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố C.botulinum Botulium.
UBND TP Thủ Đức tiếp tục chỉ đạo đối với tình hình sức khỏe các bệnh nhân tiếp tục theo sát diễn biến sức khỏe của các trường hợp còn nằm viện. Đối với 2 cơ sở sản xuất chả lụa tại phường Trường Thọ, UBND TP Thủ Đức chỉ đạo Công an thành phố tiếp tục điều tra theo nghiệp vụ chuyên môn và phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra Liên ngành An toàn thực phẩm TP Thủ Đức tham mưu xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra theo kế hoạch về tháng cao điểm kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2023 (đã kiểm tra 22/22 cơ sở theo danh sách: ký cam kết ngừng hoạt động 3 cơ sở; gia hạn hoàn thiện trong 30 ngày: 3 cơ sở; xử phạt 2 cơ sở; cơ sở đã được các đoàn khác kiểm tra là 2; tiêu hủy tại chỗ 200kg hàng hóa).
Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cũng khuyến cáo người dân về các mối nguy hại khi sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trôi nổi trên thị trường.