Việt Nam vượt mốc 10 nghìn ca mắc COVID-19: Linh hoạt trong chiến lược để sớm khống chế dịch

Chủ Nhật, 13/06/2021, 08:03
Ngày 12/6, đánh dấu mốc mới trên bản đồ chống dịch COVID-19 tại Việt Nam khi nước ta vượt mốc 10.000 bệnh. Trải qua 4 đợt dịch bùng phát, đến trưa 12/6, Việt Nam đã ghi nhận 10.137 ca mắc, 58 ca tử vong, 3.804 người được chữa khỏi.


Việt Nam đang phải đối mặt với đợt dịch thứ 4 có tốc độ lây lan nhanh nhất (gấp 7,5 lần so với đợt dịch thứ 3), nhiều biến chủng nhất, phức tạp và nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Đã 46 ngày kể từ khi dịch bùng phát, đợt dịch thứ 4 ghi nhận số ca mắc cao hơn gấp đôi so với cả 3 đợt dịch trước cộng lại.  

Những kỷ lục buồn

Kể từ ngày 27/4 khi bắt đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát ở Việt Nam bằng ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên trong khu cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, tỉnh Yên Bái, đến nay đã 46 ngày dịch xuất hiện, làm lây lan ra 38 tỉnh, thành phố, trong đó có những tỉnh vừa mới xuất hiện dịch như Tiền Giang, Hà Tĩnh… Đợt dịch này phức tạp bởi chủng virus lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ có tốc độ lây lan rất nhanh và độc lực mạnh, làm cho nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh nền tăng nặng nhanh. Ở đợt dịch thứ 4, Việt Nam đã ghi nhận 23 bệnh nhân tử vong, trong đó có người trẻ tuổi.  

Đã có nhiều kỷ lục buồn đã được xác lập trong đợt dịch này, đó là kỷ lục số ca mắc cao nhất trong ngày lên tới 444 ca vào ngày 25/5. Bắc Giang đang giữ con số ca mắc cao kỷ lục, tới gần 4.000 ca, chiếm hơn một nửa tổng số ca của cả nước. Bắc Ninh cũng đã sắp chạm mốc 1.300 ca mắc mới. TP Hồ Chí Minh chỉ mới tái bùng phát dịch từ cuối tháng 5 nhưng cũng đã ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh tới 680 ca.

Theo đánh giá của các chuyên gia dịch tễ, đợt dịch này đa ổ dịch, với nhiều ca, ổ “siêu lây nhiễm” như: Ca bệnh là nữ công nhân của nhà máy ở khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang đã lây lan ra toàn bộ nhà máy, sau đó tiếp tục lây sang các khu công nghiệp khác của huyện Việt Yên; ca bệnh nguyên Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2; ổ dịch Công ty T&T ở Hà Nội; ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng ở TP Hồ Chí Minh… Có rất nhiều trường hợp là F2, F3 trở thành F0, thậm chí đã ghi nhận F5 trở thành F0 tại TP Hồ Chí Minh.  

Bộ Y tế huy động hơn 2.500 cán bộ y tế đến điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh để phòng, chống dịch.

Sự khốc liệt của đợt dịch này là cùng lúc virus tấn công vào nơi trọng yếu nhất như cơ sở y tế và nơi tập trung đông người như khu công nghiệp. Đã có 10 cơ sở y tế phải đóng cửa, tạm thời phong tỏa. Các khu công nghiệp tại Bắc Giang bị dịch tấn công đã phải đóng cửa, thiệt hại kinh tế của tỉnh lên tới 2.000 tỷ đồng mỗi ngày. Nhiều nhà máy ở Bắc Giang, Bắc Ninh bị tê liệt, hàng trăm nghìn công nhân phải thực hiện cách ly tập trung hoặc giãn cách xã hội. Tình hình lây nhiễm chéo liên tục gia tăng, có tới 50-70% F1 đã trở thành F0 chỉ trong thời gian rất ngắn. 

Thay đổi chiến lược, từng bước khống chế dịch

Để ứng phó với đợt dịch lần này, Bộ Y tế đã dồn tổng lực, cử hơn 2.500 cán bộ y tế, chuyên gia vào các điểm nóng, trên mọi mặt trận từ xét nghiệm, truy vết, điều trị… để sớm khoanh vùng dập dịch. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã thay đổi chiến thuật trong phòng, chống dịch. Nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly – khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả vẫn được giữ vững, tuy nhiên, tại Bắc Giang, Bộ Y tế đã có những thay đổi về phòng, chống dịch trong cách ly, xét nghiệm và điều trị.

Đây là một thay đổi chiến lược chưa từng có trong phòng, chống dịch ở nước ta. Đó là ngay lập tức “đóng băng” tất cả các khu nhà ở của công nhân ở Bắc Giang; bảo đảm cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng có đông công nhân sinh sống; áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này - coi như là nơi cách ly tập trung. Tuyệt đối không cho người ở ra khỏi nhà, phòng ở và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục để làm sạch những khu vực có công nhân lưu trú.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng thiết chế cách ly tập trung trong các khu vực đông người, đặc biệt khu vực nhà trọ công nhân giúp kiểm soát tốt vấn đề lây nhiễm trong công nhân tại các khu nhà trọ. 

Để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, Bộ Y tế triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh và đâytrở thành phương pháp ưu thế trong sàng lọc tại cộng đồng. Đồng bộ với đó là tích cực truy vết. Tính đến trưa 12/6, cả nước thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được khoảng trên 4,4 triệu lượt người. Tổng số xét nghiệm lần này gấp 3 lần so với trước đây và trung bình một ngày gấp 3 lần so với những ngày cao nhất trước đây.

Lần đầu tiên, Bộ Y tế đưa ra bản đồ chống dịch với thang đánh giá nguy cơ 4 mức độ. Đây là quy định được ban hành dựa trên Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Điểm mới của quy định này là bản đồ chống dịch được hình thành dựa trên các dữ liệu bắt buộc phải cập nhật từ cấp xã trở lên và dữ liệu được tập hợp từ nguồn có sẵn.

Một điểm mới nữa là Bộ Bộ Y tế triển khai rất nhanh là âthiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất từ trước đến nay với 101 giường với đầy đủ hệ thống và phương tiện cần thiết tại tâm dịch lớn nhất là Bắc Giang theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Với hàng loạt giải pháp sáng tạo chưa từng có trong tiền lệ, Việt Nam đã chuyển sang chủ động tấn công với chiến lược vaccine. Hàng chục nghìn công nhân ở 2 điểm nóng nhất cả nước được tiêm vaccine. Đến ngày 12/6, dịch đang từng bước được khống chế, chỉ còn các trường hợp ca bệnh lây trong khu cách ly hoặc phong tỏa; dần từng bước dỡ bỏ phong phong tỏa để người dân quay trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, điều lo ngại của đợt dịch thứ 4 là nguy cơ tấn công vào các khu công nghiệp, nhất là tại các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 11/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, các địa phương khảo sát trước các địa điểm có thể thành lập các bệnh viện dã chiến, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, chuẩn bị phương án thiết lập các đơn vị điều trị tích cực.

Trần Hằng
.
.
.