PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh:

Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới

Chủ Nhật, 04/12/2016, 08:42
Việc sử dụng kháng sinh là cần thiết để điều trị bệnh cho con người cũng như vật nuôi. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Bởi thế, kháng thuốc kháng sinh đang trở thành nỗi lo của toàn thế giới, khi trong tương lai có thể chúng ta phải đối mặt với việc không có thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, nhân Tuần lễ phòng chống kháng thuốc, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

+ Xin ông cho biết thực trạng của vấn đề kháng thuốc kháng sinh hiện nay?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, vấn đề kháng thuốc đã trở nên báo động. Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê.

Đáng lưu ý là mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng tăng. Năm 2011, toàn cầu có khoảng 64.000 trường hợp lao đã kháng thuốc (MDR – TB). Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng thuốc là một thảm họa không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, kháng thuốc còn gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu.

+ Hậu quả từ việc kháng thuốc hẳn là rất lớn, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh và sự phát triển chung của xã hội. Hàng năm có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó 1,4 triệu trẻ em và phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.

Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của WHO tổng hợp từ 114 quốc gia cho thấy người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.

Tại châu Âu, số ngày người bệnh nằm viện tăng tới 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong là 25.000 người/năm. Thái Lan có số ngày nằm viện tăng hơn 3,2 triệu ngày và 38.000 người tử vong mỗi năm. Ở Mỹ cũng có khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn cùng số tử vong là 23.000 người/năm.

Theo báo cáo năm 2013 của World Crisis, trung bình mỗi nước mất từ 0,4-1,6% GDP quốc gia cho phòng chống kháng thuốc. Riêng ở Mỹ chi phí trực tiếp tới hơn 20 tỷ USD/năm và chi phí gián tiếp là hơn 30 tỷ USD/năm. Điều này tác động mạnh đến kinh tế, xã hội, đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển. Vì thế, WHO yêu cầu toàn cầu phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.

 + Ở Việt Nam, tình hình kháng thuốc có ở mức độ nguy hiểm như đánh giá của WHO?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Kháng thuốc hiện không của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.

Đáng báo động khi ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện (BV) đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. Thậm chí có những chủng vi khuẩn đã biến đổi gien và kháng với tất cả loại kháng sinh hiện có. Vì thế, WHO nhận định dịch tễ lao ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp.

Năm 2015, Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng 4.800 bệnh nhân) và chiếm 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân).

Theo điều tra gần đây của Bộ Y tế, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh rất cao, trong các BV 50% chi phí khám chữa bệnh (KCB) dành cho tiền thuốc điều trị thì thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh ở nông thôn hiện nay lên tới 91%, còn ở thành thị là 88%.

Tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở các BV tuyến trung ương chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các BV tuyến tỉnh là 35%, BV tuyến huyện là 45%.

+ Theo ông, nguyên nhân của tình trạng kháng thuốc là do đâu?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kháng thuốc: Thứ nhất là do nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc còn hạn chế, sử dụng kháng sinh ngay cả khi không có chỉ định.

Thứ hai là do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sỹ, người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Không ít dược sỹ bán thuốc không đúng quy định.

Thứ ba là do các bác sỹ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp hoặc lạm dụng kháng sinh đắt tiền, thế hệ mới. WHO cho rằng người dân Việt Nam có thể dễ dàng mua thuốc kháng sinh ở bất kỳ nơi đâu mà không cần bác sĩ kê đơn, nhiều bác sĩ còn kê tới hai loại thuốc kháng sinh trong một đơn thuốc.

Thứ tư là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật cũng như cho mục đích kích thích tăng trưởng đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc.

+ Hậu quả của việc kháng thuốc rõ ràng là rất nghiêm trọng. Vậy Bộ Y tế đã có các biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh, Việt Nam đã triển khai chiến lược phòng chống kháng thuốc của WHO với khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không còn thuốc chữa”. Bộ Y tế cũng xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013.

Kế hoạch phòng chống kháng thuốc đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế. Vì thế, Bộ Y tế đã thành lập ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc với sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Y tế đã cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương; Bộ Tài nguyên Môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam ký cam kết phối hợp đẩy mạnh công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam.

Việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động cụ thể: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương triển khai các nghiên cứu song phương, BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định triển khai chương trình quản lý kháng sinh. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; kiểm chuẩn xét nghiệm; kiểm soát nhiễm khuẩn BV.

Nhóm giải pháp nữa là chuẩn hóa các tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh; tập huấn, đào tạo cho cán bộ y tế để nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành kê đơn thuốc tốt, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị; xây dựng tài liệu hướng dẫn quản lý sử dụng kháng sinh tại BV.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch cụ thể, như tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc sử dụng thuốc tại các BV, phòng khám tư nhân và các hiệu thuốc.

Các BV phải tăng cường quản lý và sử dụng kháng sinh; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn BV, xây dựng hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm của vi khuẩn đa kháng; cung cấp bằng chứng cho việc chỉ định, sử dụng kháng sinh hợp lý tại BV… Bên cạnh đó là tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ việc dùng kháng sinh theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Quản lý chặt chẽ việc bán thuốc theo đơn, không tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc kháng sinh không theo đơn. Nhiều BV đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để giám sát và bình đơn thuốc của bác sĩ.

 + Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.