Viên nang Kovir chưa được cấp phép nhưng đã được đưa vào hỗ trợ điều trị COVID-19
- Cần xử lý nghiêm vụ ban hành rồi thu hồi danh mục thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19
- Bộ Y tế thu hồi văn bản có tên 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19
Liên quan đến việc viên nang cứng Kovir của Sao Thái Dương có giá bán 1 triệu đồng/hộp (2 vỉ x 15 viên) được quảng cáo hỗ trợ điều trị COVID-19 (Báo CAND đã phản ánh trong số báo ra ngày 27/7), qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vào tháng 6/2021, dù chưa được cấp phép, nhưng sản phẩm này vẫn có tên trongdanh mục một số thuốc cổ truyền và các sản phẩm y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 được ban hành kèm theo công văn của Bộ Y tế gửi tới một số địa phương phía Nam, nơi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Viên nang cứng Kovir tăng giá bán 1 triệu đồng/hộp trước mấy ngày khi Bộ Y tế có Công văn 5944. |
Theo đó, tại Công văn số 648/YDCT-QLY ngày 24/6/2021 của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) ban hành gửi các Sở Y tế: Bình Dương, Đồng Nai; Sở Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền, Viện Y - Dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh về việc sử dụng sản phẩm y học cổ truyền và hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, nâng cao sức khoẻ, hỗ trợ điều trị COVID-19, Cục Quản lý y dược cổ truyền đề nghị các đơn vị căn cứ hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 ban hành kèm theo công văn này để hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng cho người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1).
Đồng thời, Cục này đề nghị các cơ sở y tế có thể nghiên cứu, đánh giá bước đầu hiệu quả sử dụng thuốc, các sản phẩm y học cổ truyền để nâng cao sức đề kháng phòng, chống SARS-CoV-2 và hỗ trợ điều trị bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh. Trong danh sách kèm theo của Công văn 648 có các sản phẩm là viên nang Kovir (cứng và mềm) và Nobel tăng cường miễn dịch của Công ty cổ phần Sao Thái Dương.
Tuy nhiên, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ viên nang cứng Kovir chỉ mới được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế công bố sản phẩm ngày 25-6-2021 (sau một ngày Công văn 648 của Cục Quản lý y dược cổ truyền) chứ chưa được cấp phép. Vậy tại sao sản phẩm chưa được cấp phép lại được nằm trong danh sách công văn gửi đi để hỗ trợ điều trị COVID-19?
Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết, đây có thể là sự nhầm lẫn. Viên nang Kovir là sản phẩm được cho, sản phẩm đi vận động, xin về. Nhưng sự “nhầm lẫn” theo lý giải này có thể gây nguy hại khi bác sĩ đưa vào hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19? Dư luận đặt câu hỏi về sự dễ dãi thông qua sản phẩm này của Cục Quản lý y dược cổ truyền mà không kiểm tra, thẩm định xem sản phẩm đã được cấp phép hay chưa, có được chứng minh bằng khoa học về việc hỗ trợ điều trị COVID-19 không?
Chưa hết, ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Kèm theo công văn này là hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19.
Trong số 12 sản phẩm trên, có viên nang Kovir (cứng và mềm) của Công ty cổ phần Sao Thái Dương. Và trước khi có công văn này vài ngày, sản phẩm viên nang cứng Kovir của Sao Thái Dương đã tăng giá bán lên 1 triệu đồng/hộp, gây xôn xao dư luận. Ngày 26/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản thu hồi thu hồi công văn nói trên “do có một số nội dung chưa phù hợp”.
Được biết, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir được Công ty cổ phần Sao Thái Dương sản xuất và lưu hành trên thị trường từ năm 2017. Văn bản xác nhận công bố sản phẩm Kovir do Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ký ngày 31/7/2017.
Tuy nhiên, năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương bất ngờ được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội và trên thị trường với những công dụng "điều trị" và "diệt trừ virus". Thậm chí, sản phẩm còn được quảng cáo quá công dụng như "khỏi ngay sau lần uống đầu tiên", “hiệu quả cao đối với các bệnh virus”, “hỗ trợ điều trị COVID-19”.
Ngay sau đó, ngày 14/9/2020, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát đi thông báo khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị COVID-19.