Tỷ lệ viêm gan ngày càng tăng

Thứ Tư, 29/07/2015, 10:26
Tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, số thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B hay C chiếm tỉ lệ khá cao. Nguyên nhân là do nhiều người hoàn toàn không biết mình bị mắc bệnh, do không đi xét nghiệm bao giờ, dẫn đến mang thai khi bị bệnh nặng. Mà, việc mẹ di truyền bệnh sang con là rất cao, có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, mới đây, các bác sĩ của Khoa đã tiếp nhận một bệnh nhân đã có thai 17 tuần, bị viêm gan B rất nặng, do không phát hiện sớm. Bệnh nhân muốn bỏ thai, để tránh cho cháu bé khi ra đời bị nhiễm bệnh, nhưng vì đã hơn 4 tháng nên không thể can thiệp, vì e ngại mổ lấy thai sẽ gây chảy máu ồ ạt. Các bác sĩ chỉ còn cách cố gắng dùng các loại thuốc điều trị không ảnh hưởng đến thai. Điều này cho thấy, việc kiểm tra, tầm soát bệnh viêm gan là rất cần thiết, đặc biệt là với phụ nữ trước khi có thai.

Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai tư vấn cho người dân về bệnh viêm gan.

Có một thực tế là ở Việt Nam, mặc dù tỉ lệ người nhiễm viêm gan rất cao, do số người uống rượu ở ta rất nhiều, nhất là nông thôn, nhưng rất nhiều người bị mắc nhưng không bao giờ đi kiểm tra nên không biết. Nhiều người khi có thai, các dấu hiệu bệnh nặng lên mới đi khám, lúc này, bệnh đã nặng. Mà, chi phí điều trị bệnh viêm gan B và C rất lớn: viêm gan B thường khoảng 3 triệu/tháng, còn viêm gan C mất vài trăm triệu mới có thể điều trị ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn cho biết thêm: Nếu trong giai đoạn đang chữa bệnh mà muốn có thai, cần báo với bác sĩ để được tư vấn nên có thai vào thời điểm nào là tốt nhất. Các bác sĩ sẽ cho dừng uống thuốc trong 6 tháng và xem xét, tư vấn giai đoạn nào trong thai kỳ để tiếp tục điều trị tốt nhất. Khi thai phụ bị viêm gan thì khả năng thai nhi bị nhiễm là rất lớn, nhưng hiện đã có biện pháp tiêm phòng cho bé ngay khi sinh, để cháu bé không bị nhiễm, đồng thời, trong 6 tháng cuối, thai phụ được uống thuốc để tránh lây truyền từ mẹ sang con – biện pháp này đã thực hiện hiệu quả với bệnh HIV/AIDS.

Do số người sử dụng rượu bia ở Việt Nam rất cao nên không chỉ số người bị viêm gan cao, mà số người có nguy cơ mắc bệnh gan cũng nhiều. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh gan còn gặp nhiều khó khăn, do người bệnh không tự giác điều trị hết liều, mà thấy khỏe lên là bỏ điều trị. Thậm chí, có trường hợp như anh Nguyễn Văn A, 33 tuổi, bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bị viêm gan B và đang điều trị ổn định, nhưng do nghe theo quảng cáo trên mạng, bệnh nhân đã tự ngừng điều trị để chuyển sang uống nấm lim xanh. Sau 3 tháng, bệnh gan chẳng những không giảm mà còn tiến triển, khiến bệnh nhân đang bị suy gan trầm trọng, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho rằng: Hiện thời, nếu có loại thuốc nào tăng tỷ lệ khỏi bệnh thêm 10-20% đã được coi là tuyệt vời, và đương nhiên giá bán sẽ là siêu tưởng. Giả sử, ở một nơi nào của thế giới có bài thuốc “gia truyền thần diệu”, thì ngay lập tức các “ông lớn” ngành dược sẽ tranh nhau mua, để đưa ra sản xuất đại trà, kiếm lợi nhuận. Còn những thứ họ không thèm để ý thì đừng hy vọng có sự diệu kỳ. Những bài thuốc dân gian có tác dụng nhất định, nhưng không thể là thần diệu được. Hãy cảnh giác với những quảng cáo bơm thổi, vì nhiều bệnh nhân đã và sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình khi mù quáng tin theo những lời đồn thổi trên mạng “về những phương thuốc bí truyền”.

Bên cạnh đó, các công ty dược quảng cáo rất nhiều loại thuốc chữa gan với những hiệu quả như “thần dược”, tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn khẳng định: Có rất nhiều loại thuốc hỗ trợ, nhưng thuốc điều trị đặc hiệu trên thế giới chỉ có một vài loại, chứ không có nhiều. Và cũng chưa có loại thuốc đông y nào chữa được virus viêm gan B hay C.

Các chuyên gia đều khẳng định, trước sự gia tăng của bệnh viêm gan thì việc tầm soát để phát hiện sớm là cần thiết, nhất là khi Việt Nam là nước có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B tới khoảng hơn 8% dân số và tỉ lệ nhiễm virus viêm gan C cũng khoảng 6%. Có thể nhận biết bệnh viêm gan qua các dấu hiệu: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da. Tuy nhiên, những trường hợp nhiễm virus mạn tính lại thường không xuất hiện triệu chứng điển hình và thường phát bệnh khi ở giai đoạn muộn, như xơ gan nặng và ung thư tế bào gan.

Để phòng bệnh viêm gan B, tốt nhất là tiêm phòng vaccine, cùng các biện pháp không dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn, như với cách phòng bệnh viêm gan C, vì cũng chưa có vaccine phòng bệnh.

Thanh Hằng
.
.
.