Chó dại cắn chữa thuốc nam, nhiều trường hợp tử vong

Thứ Ba, 06/08/2019, 13:05
Bệnh dại là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố, thấp hơn 2 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại tại các tỉnh trọng điểm phía Bắc” do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức vào ngày 6/8

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin tại Hội nghị, 7 tháng đầu năm 2019 có 46 trường hợp tử vong do bệnh dại ở 24 tỉnh, thành. 

Điều chú ý là tại một số tỉnh trước đó dịch dại không phải là trọng điểm như Sơn La nhưng từ đầu năm đến nay lại có số ca tử vong do dại cao nhất - 6 trường hợp. Phía Bắc vẫn là khu vực trọng điểm về bệnh dại, chiếm 80% số ca tử vong vì bệnh dại của cả nước. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong 3 năm (từ 2015 đến 2017) số ca tử vong do bệnh dại đã giảm liên tiếp, nhưng lại tăng đột biến vào năm 2018, với 103 ca tử vong (tăng 39% so với năm 2017).

Vậy, nguyên nhân do đâu mà bệnh dại và số ca tử vong do dại vẫn cao. Theo TS.BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ), tổng số chó nuôi trên cả nước rất lớn (8 đến 10 triệu con), qua khảo sát tại cộng đồng, chỉ có 3-5% chó được nuôi nhốt, còn lại thả rông và không rọ mõm khi ra đường, tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng. 

Việc quản lý chó thả rông không rọ mõm của chính quyền địa phương còn quá yếu, hầu hết không có lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó còn thấp (51%), chưa đạt ngưỡng khống chế.

Nhận thức của người dân phòng chống bệnh dại còn hạn chế, do thiếu hiểu biết, chủ quan, tin vào sử dụng thuốc nam khi bị chó cắn chứ không tiêm vaccine. Lý do không tiêm vaccine có tới 70% chủ quan cho rằng đó là chó nhà mình cắn, sau đó là sử dụng các bài thuốc nam để đắp vào vết chó cắn. Điển hình như ở Hòa Bình, có 6 trường hợp bị chó cắn tử vong năm 2018 thì có tới 5 trường hợp không tiêm phòng, có trường hợp cán bộ y tế đến nhà vận động cũng nhất quyết không tiêm vì cho là chó nhà cắn không sao. 

Đặc biệt, có  trường hợp khi bị chó cắn đến thầy lang thử sừng tê giác, thầy phán không mắc dại nên không tiêm. Có người con bị chó cắn không tiêm phòng nhưng lại đưa xuống Hà Nội khám khắp nơi vì lo sợ tin đồn ác ý về vaccine phòng dại không tốt cho sức khỏe…

Kết quả điều tra của Viện VSDTTƯ tại một số huyện của tỉnh Phú Thọ trong 3 năm gần đây cho thấy, có tới 5% trẻ bị chó, mèo cắn không nói và gia đình, đây là nguyên nhân khiến cho tử vong do dại cao. Có nhiều gia đình, con bị chó cắn 1 -2 tháng sau, thậm chí vài tháng sau phát bệnh dại phụ huynh mới biết. Những ca này đều vô phương cứu chữa, tử vong 100%.

Theo TS.BS Ngũ Duy Nghĩa, nguyên nhân nữa là việc tiếp cận vaccine của người dân còn hạn chế. Nguyên nhân do giá vaccine nhập khẩu còn cao so với thu nhập của người dân, trung bình tiêm kháng huyết thanh và vaccine khoảng 1,5 đến 2 triệu/người, cộng với chi phí đi lại lên khoảng 6 triệu đồng/người. Người dân ở vùng sâu, vùng xa đi tiêm không đúng lịch, không đủ mũi, lùi ngày tiêm khiến hiệu quả không cao.

Cả nước còn trên 20 huyện chưa bố trí được điểm tiêm phòng dại, do vậy chưa bao phủ trên diện rộng (trung bình mỗi huyện có 1 điểm tiêm), cộng thêm thiếu vaccin trong một số thời điểm…Những nguyên nhân trên dẫn đến người dân khó tiếp cận vaccine dại, đặc biệt là người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa.

Chó ra đường phải rọ mõm và tiêm phòng dại

TS.BS Ngũ Duy Nghĩa đề xuất: “Đối với những tỉnh có nguy cơ cao, UBND tỉnh cần phải thành lập thêm các điểm tiêm vaccine phòng dại ở tuyến xã/cụm xã để tăng tỷ lệ tiêm phòng sau phơi nhiễm”.

Đẩy cao chiến dịch truyền thông tiêm phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lạng Sơn

Ông Nghĩa cũng cho biết, quan trọng là nhận thức của cộng đồng khi bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vaccine ngay, phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền phòng chống bệnh dại trong cộng đồng. “Viện VSDTTƯ phối hợp với một số trường học ở miền Bắc tuyên truyền phòng chống bệnh dại tới thầy cô giáo và học sinh, các em lan tỏa thông điệp về gia đình và cộng đồng, hiệu quả rất cao. Đây là mô hình cần nhân rộng” – ông Nghĩa cho biết. 

Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo, quan trọng nhất là các hộ nuôi chó thực hiện đúng quy định của Nghị định 90/2017/NĐ-CP, chó ra đường phải rọ mõm, có rọ mõn thì chó không cắn người và không có tử vong. Do vậy, công tác kiểm tra, xử phạt chủ nuôi chó thả rông, không rọ mõm khi ra đường phải tăng cường và thực thi nghiêm túc.




Trần Hằng
.
.
.