Từ Hà Nội vào Cà Mau thuê khách sạn khám bệnh "chui"

Thứ Ba, 31/12/2019, 11:01
Việc hành nghề của bà Nghê có dấu hiệu lừa đảo, nên Sở Y tế Cà Mau đã báo cáo vụ việc đến Bộ Y tế có hướng chỉ đạo các Sở Y tế trong cả nước tăng cường kiểm tra, tránh trường hợp như ở Cà Mau. 

Ngày 31-12, ông Nguyễn Tấn Lực, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị vừa đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xử phạt 60 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Nghê (SN 1985, ngụ huyện Hoài Đức, Hà Nội), vì tổ chức khám chữa bệnh không phép. 

Theo ông Lực, việc hành nghề của bà Nghê có dấu hiệu lừa đảo, nên đơn vị đã báo cáo vụ việc đến Bộ Y tế có hướng chỉ đạo các Sở Y tế trong cả nước tăng cường kiểm tra, tránh trường hợp bà Nghê thực hiện khám chữa bệnh như đã thực hiện ở Cà Mau.

Trước đó, ngày 26-12, đoàn kiểm tra do Sở Y tế Cà Mau chủ trì tiến hành kiểm tra một khách sạn ở phường 9 (TP.Cà Mau), phát hiện bà Nghê cùng 2 người là Nguyễn Thị Hạnh (SN 1994) và Đặng Văn Minh (SN 1985), đang khám bệnh bằng hình thức bắt mạch, chẩn đoán, kê đơn thuốc, tư vấn bệnh và sử dụng thuốc cho khoảng 35 bệnh nhân bị tiểu đường. 

Trong đó, bà Nghê khám bệnh, chẩn đoán và kê đơn thuốc cho bệnh nhân; Hạnh ghi phiếu thông tin người bệnh (trong đó có bài thuốc trị tiểu đường type 2). Sau đó, Hạnh chuyển phiếu cho Minh thu tiền của bệnh nhân từ 200.000 đồng đến 2,3 triệu đồng. Tổng số tiền thu của 25 người là 34.950.000 đồng.  

Đoàn kiểm tra yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, kê đơn thuốc thì bà Nghê cho biết mình có trình độ chuyên môn là y sĩ, được Sở Y tế TP Hà Nội cấp chứng chỉ hành nghề; còn hành nghề ở Cà Mau không có giấy phép hoạt động.

“Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Nghê về hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không có giấy phép hoạt động và đề nghị UBND tỉnh Cà Mau phạt 60 triệu đồng, đình chỉ hoạt động trong thời gian 9 tháng”, ông Nguyễn Tấn Lực cho biết thêm.

Theo Sở Y tế Cà Mau, tại thời điểm kiểm tra chưa chứng minh bà Nghê lừa đảo người bệnh. Tuy nhiên, việc khám, chẩn đoán, kê đơn rồi thu tiền sau đó mới gửi thuốc nên không xác định thuốc sẽ giao cho người bệnh thuốc gì, thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không, có được kiểm tra chất lượng không? 

Có thể bệnh nhân nhận thuốc điều trị không như mong muốn, khi dùng thuốc có nhiều tác dụng và nếu có tai biến xảy ra, thì không biết bà Nghê ở đâu để khiếu nại vì không có địa chỉ hành nghề cố định. 

Từ đó, Sở Y tế không cho bà Nghê giao thuốc cho người bệnh và thông báo cho người bệnh biết vụ việc. Sau khi bà Nghê thực hiện xong xử phạt hành chính, Sở Y tế Cà Mau sẽ mời bà Nghê cùng 25 người bệnh đã trả tiền mua thuốc đến Sở Y tế để bà này trực tiếp trả lại tiền cho người bệnh.

Đ.Văn
.
.
.