Tri ân những “Người Thầy đặc biệt”

Chủ Nhật, 14/10/2018, 07:48
Sáng 13-10, tại Hà Nội, Học viện Quân y tổ chức lễ “Tri ân những người hiến xác cho y học” rất trang trọng và đầm ấm. Đây là buổi lễ đặc biệt, tri ân những người thầy đặc biệt của rất nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên y khoa, người nghiên cứu y khoa. Sự hy sinh thầm lặng của “Người Thầy đặc biệt” này đã góp phần đào tạo ra những thầy thuốc đang phụng sự chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Hội trường A, Học viện Quân y sáng 13-10 thật trang nghiêm và đầm ấm với sự có mặt của lãnh đạo Học viện, bộ môn Giải phẫu, sinh viên và đặc biệt là thân nhân những người hiến xác cùng những người tình nguyện hiến cơ thể, mô tạng. 

Tôi từng theo chân cán bộ, giảng viên Khoa Giải phẫu của Học viện Quân y, Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) tới thăm gia đình và tri ân những người hiến xác, hiến giác mạc cho y học nên thấy rõ sự trân trọng của họ đối với người hiến tặng và thân nhân của họ. 

Để nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng được thực hiện, hơn ai hết, chính thân nhân của họ đóng vai trò rất quan trọng. Bởi di nguyện của người hiến tặng sẽ không được thực hiện nếu không có sự đồng thuận, ủng hộ của người thân. Thế nên, những cuộc thăm hỏi, những lễ tri ân như thế này không chỉ là hướng đến người hiến tặng mà qua đây, thân nhân của họ càng thấy ý nghĩa việc làm của bố mẹ, ông bà, anh em… mình vô cùng sâu sắc.

Hình ảnh tri ân người hiến xác cho y học tại Học viện Quân y.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Anh, Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y, hiến mô tạng và thi thể cho y học đã diễn ra từ rất lâu trên thế giới. Với ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và khoa học, việc hiến mô tạng và thi thể ngày càng được luật pháp nhiều quốc gia thừa nhận và phát triển. Căn cứ vào biểu đồ UNOS (Mỹ) cung cấp về tình hình hoạt động lấy tạng ở Mỹ, số lượt người sống hiến tạng ghép tăng nhanh tới 6.499 ca vào năm 2001, số lượt người chết hiến tạng cũng tăng nhanh.

 Ở Pháp, tỷ lệ hiến tạng ở người chết não đã tăng từ 15 đến 20 trường hợp/1 triệu dân. Theo Tạp chí Lancet, từ năm 1989 tức là từ khi Tổ chức cấy ghép quốc gia Tây Ban Nha (ONT) chính thức đi vào hoạt động đến nay, tỷ lệ người hiến là 33,7 người /1 triệu dân.

Ở Việt Nam, việc các cá nhân tình nguyện hiến xác để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy đã được thực hiện từ cách đây khá lâu. Khu vực phía Nam, năm 1996, bộ môn Giải phẫu của Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận thi hài đầu tiên và đến nay có 300 thi hài nhận được. Trường Đại học Y Hà Nội trong 10 năm gần đây, đã nhận được 270 đơn, thư bày tỏ nguyện vọng và đã tiếp nhận 10 thi thể trong số đó.  Học viện Quân y, từ khi thành lập tới nay đã tiếp nhận hàng trăm thi thể hiến. Đặc biệt, từ những năm 90 trở lại đây, công tác tiếp nhận và bảo quản thi thể hiến ngày càng gia tăng.

Những con số nêu trên cho thấy, mặc dù còn những rào cản về nhận thức, tâm lý nhưng hiện nay, số người hiến xác cho y học ở nước ta ngày một gia tăng. Điều này đã hỗ trợ rất nhiều trong công tác nghiên cứu, giảng dạy của các trường y. Cũng như trên thế giới, tri ân những người cống hiến thi thể cho y học cũng được thực hiện rất trang trọng nước ta. 

Ở Phương Tây từ lâu đã tổ chức lễ hội Macchabée - khiêu vũ (dance - Macchabée) hàng năm vào dịp lễ Noel để tri ân những người hiến xác. Ở nước ta, Lễ hội Macchabée được cố Giáo sư Nguyễn Quang Quyền khôi phục tại Trường Đại học Y - Dược TPHCM từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Lễ hội được duy trì cho đến nay và nhân rộng trong các trường y phía Nam. 

Các thế hệ thầy, trò của ngành y cũng hướng tới ngày này không chỉ bày tỏ sự kính phục đối với những tấm lòng cao cả mà còn để thể hiện sự tôn kính đến “Người Thầy đặc biệt”, mà họ mang nặng ơn nghĩa trong suốt cuộc đời hành nghề. Tại Học viện Quân y, từ năm 2014, việc tổ chức “Lễ Tri ân những người hiến xác cho y học” được thực hiện.

Tại buổi lễ đặc biệt này, ông Nguyễn Văn Trường, anh của người hiến xác chia sẻ, tháng 7/2017 em của ông đến nhà tâm sự về việc vừa viết đơn hiến xác cho y học. Hai anh em hàn huyên tâm sự, rằng, nếu vậy thì đám tang của người em sẽ không có xác. Khoảng 1 năm sau, người em mất. 

Thực hiện di nguyện của em, gia đình, vợ con đã liên hệ với bộ môn Giải phẫu của Học viện Quân y, Trung tâm Hiến tạng quốc gia. Hai giác mạc của em ông Trường được hiến cho Ngân hàng Mắt, thân xác hiến cho Học viện Quân y. Và đám tang người em diễn ra đúng như lúc sinh thời ông đã tiên liệu là không có xác nhưng đã để lại những điều rất đặc biệt trong lòng bà con chòm xóm, người thân. 

Khoảng 10 ngày sau, khi gia đình còn đang buồn đau vì sự ra đi của người thân thì Ngân hàng Mắt báo tin, hai giác mạc của ông Nguyễn Văn Trường đã được ghép cho hai người mù. Việc này đã động viên, an ủi vợ con người mất rất nhiều, bởi sự ra đi của ông lại đem đến nguồn ánh sáng cho hai người mù loà. Và hơn thế nữa, thân xác ông còn là những tài liệu quan trọng cho sinh viên y khoa, cho người nghiên cứu y học.

Chị Đỗ Tuyết Minh, ở Hà Đông, Hà Nội, đại diện những người hiến xác, hiến mô tạng cũng chia sẻ rằng, từ khi giác ngộ được ý nghĩa tốt đẹp của việc làm này, chị cùng chồng và hai con đã đến Trung tâm Điều phối tạng quốc gia để gửi đơn tình nguyện. Bản thân chị năm 2017 đã vào Học viện Quân y đăng ký hiến xác. Về nhà, chị nói chuyện này với bố chồng và ông rất ủng hộ rồi cũng viết đơn tình nguyện. Chị nghĩ rằng, thay vì để thân xác khi chết đi trở về cát bụi mà hiến tặng để cứu chữa người bệnh nặng, để phục vụ khoa học sẽ có ý nghĩa hơn.

Tại buổi lễ tri ân đặc biệt này, thân nhân người hiến tặng và người tình nguyện đã tận mắt thấy hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên y khoa và lòng biết ơn của họ với người hiến tặng. Sự hy sinh thầm lặng của những “Người Thầy đặc biệt” vì thế càng có ý nghĩa thiết thực.

Đường dây nóng Bộ môn Giải phẫu với số hotline: 0167.547.0741, địa chỉ  email: hienxachvqy@gmail.com, do kỹ thuật viên trực hằng tuần phụ trách để tiện cho quá trình tiếp nhận thông tin cũng như tư vấn hiến xác cho những người có nhu cầu. Ngoài ra, còn có chuyên trang về tư vấn hiến xác trên Webside của Học viện Quân y để mọi người khi có nhu cầu, có thể tra cứu mọi thông tin liên quan đến hiến xác.

Điều 34, Bộ luận Dân sự qui định “Cá nhân có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học”.

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ra đời và qui định “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Cao Hồng
.
.
.