Trẻ mắc tay chân miệng tăng gấp 5-6 lần

Thứ Ba, 14/07/2020, 17:45
Theo thống kê của Trung tâm bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay-chân-miệng. Chỉ tính riêng 2 tháng 6-7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện.

Theo thống kê của Trung tâm bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay-chân-miệng. Chỉ tính riêng 2 tháng 6-7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện.

Bé Nguyễn Diệu Linh (25 tháng tuổi, Hà Nội) được chuyển đến Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương  khi bệnh đã diễn biến đến ngày thứ 4. Khi thăm khám toàn thân, các bác sĩ nhận thấy da vùng đùi 2 bên của bé rải rác nhiều mụn nước đã khô. Bé được tiến hành làm xét nghiệm công thức máu, CRP và EV71. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé Linh mắc tay-chân-miệng độ 2a.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Hiện  trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ Hà Nội.

Nhập viện cùng phòng với bé Linh là bé Bảo Nam (8 tháng tuổi, Hà Nội). Gia đình cho biết, 4 ngày trước khi vào viện, bé Nam bỗng dưng nôn và đi ngoài nhiều. 2 hôm sau, khi thay quần áo cho bé, bố mẹ phát hiện chân và tay con nổi rất nhiều nốt phỏng. Nghi ngờ con mắc tay-chân-miệng, gia đình đưa con đến Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, qua quá trình thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc tay- chân- miệng mức độ 2a.

Bệnh tay - chân - miệng chủ yếu lây qua đường tiêu hóa

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trung bình mỗi ngày có vài chục ca mắc tay-chân-miệng đến khám, trong đó nhiều trẻ phải nhập viện điều trị. Hiện, Khoa Nhi – Dinh dưỡng đang quá tải do bệnh nhân nhập viện đông.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết, bệnh tay-chân-miệng tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm: Trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng; Da dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Bệnh tay–chân–miệng là bệnh có thể gây thành dịch lớn, có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm, bệnh chưa có vaccine phòng bệnh. TS.BS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo: Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc tay-chân-miệng cần đảm bảo: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). 

Phòng chống bệnh tay- chân - miệng trong các trường mầm non

Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 ca mắc tay - chân - miệng tại 63 tỉnh thành, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có ca tử vong. Hai tuần nay, bệnh tăng nhanh ở 9 tỉnh, thành phố, dự báo số ca mắc tiếp tục có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hạn chế số mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) có công văn khẩn yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương tham mưu cho UBND chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các Ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát. 

Tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tay-chân-miệng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo trí, truyền hình.

Tại nhiều tỉnh, thành đã xuất hiện các ổ dịch tay-chân- miệng trong các trường mầm non, vì vậy ngành y tế phải phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo. 

Bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng để ở vị trí thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.





Trần Hằng
.
.
.