Tin vui cho những trái tim "lỗi nhịp"

Thứ Sáu, 27/04/2018, 20:48

Các y bác sĩ tại Khoa Điều trị Rối loạn nhịp - Trung tâm Tim mạch bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn từ xa với PGS.TS Sirin Apiyasawat (phó chủ nhiệm khoa Y, PGS phân ngành tim mạch khoa Y BV Ramathibodi Thái Lan), tiến hành đặt máy tạo nhịp tim không dây thành công cho 1 nữ bệnh nhân. Và đây được coi là bệnh nhân đầu tiên trên cả nước được thực hiện kỹ thuật này.

Chiều 27-4, BSCK II Nguyễn Tri Thức -Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết, vào đầu tháng 4-2018, khoa Điều trị Rối loạn nhịp của BV tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngất liên tục, nhịp tim rất chậm. 

Bệnh nhân tên Nguyễn Thị B (46 tuổi) ngụ tại tỉnh Đồng Tháp, với chẩn đoán: Block nhĩ thất độ III gây rung thất, xoắn đỉnh kèm theo bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, thường xuyên phải chạy thận. 

Sau khi khám và làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết, bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tim tạm thời. Tuy nhiên, việc đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho bệnh nhân cũng rất khó khăn do catheter lọc thận lâu ngày làm hẹp đường vào tĩnh mạch chủ trên. Cuối cùng, các bác sĩ cũng đã đặt thành công máy tạo nhịp tim tạm thời để cứu mạng bệnh nhân, nhưng vẫn bắt buộc phải được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. 

Tuy nhiên, lại có khó khăn là không thể đưa được dây tạo nhịp vào tim phải theo đường thông thường, do việc chạy thận lâu ngày đã làm thay đổi đường đi của mạch máu. Ê kíp các bác sĩ Khoa Điều trị Rối loạn nhịp đã tiến hành hội chẩn từ xa với PGS.TS Sirin Apiyasawat (phó chủ nhiệm khoa Y, PGS phân ngành tim mạch khoa Y bệnh viện Ramathibodi Thái Lan, Thành viên hội đồng Hội rối loạn nhịp Châu Á Thái Bình Dương) và thống nhất sẽ đặt máy tạo nhịp tim không dây cho bệnh nhân.

Hình ảnh sau khi đặt máy tạo nhịp tim tạm thời

Máy tạo nhịp tim không dây MICRA nhỏ bằng đầu bút bi đã được cấy nằm gọn trong cơ thể bệnh nhân( hình chụp X-quang lại sau mổ).

Theo BS Thức, đây là loại máy có kích thước rất nhỏ nằm toàn bộ trong buồng thất phải của bệnh nhân, được đưa vào bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi (tránh đường đi thông thường do bệnh nhân đã bị biến dạng mạch máu). 

Máy có dạng hình trụ tròn, Đường kính 6mm, chiều dài 2cm. Tổng trọng lượng của máy là 1 gam. Máy cho phép tạo nhịp tim cho bệnh nhân trong thời gian khoảng 8 -10 năm. Máy được Cục Quản lý dược phẩm thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp duyệt năm 2017. 

Sau thành công của ca bệnh đầu tiên này, sẽ tạo cơ hội cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tương tự được hưởng thụ kỹ thuật điều trị hiện đại trong xử trí bệnh rối loạn nhịp tim chậm, nhất là với những trường hợp không thể tiếp cận tim thông thường.
Hình mô tả máy và vị trí cấy máy MICRA trong mỏm thất phải.

Các bác sĩ khoa Điều Trị Rối Loạn Nhịp - BV Chợ Rẫy cùng với sự hỗ trợ của PGS.TS.BS.Sirin:người đầu tiên bên trái (mặc áo phẫu thuật)

Hình ảnh Điện tim trước khi đặt máy tạo nhịp tạm thời

Được biết, để có được thành công của ca bệnh đầu tiên trên, các bác sĩ trong Khoa cũng đã phải vượt qua một tình huống khó nữa, đó là do hoàn cảnh bệnh nhân quá khó khăn, trong khi  chi phí mua máy lên đến 390 triệu đồng. Thế là các bác sĩ trong khoa lại tất bật chạy tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho bệnh nhân. 

Cuối cùng, với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của PGS.TS Sirin Apiyasawat và sự hỗ trợ kinh phí kịp thời từ các nhà hảo tâm, bệnh nhân đã được cứu sống. Chỉ sau khi mổ 1 ngày, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện ngày 26-4 vừa qua. 

Huyền Nga
.
.
.