Tiếp tục nỗ lực tìm kiếm nguồn vaccine để người dân được tiếp cận nhanh nhất

Chủ Nhật, 13/06/2021, 07:36
Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch COVID-19 thứ 4 với biến thể Delta của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh và rộng. Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch để sớm ổn định tình hình. Một trong những ưu tiên trong phòng, chống COVID-19 của Việt Nam là có vaccine sớm và thực hiện bao phủ tiêm chủng rộng hơn cho người dân.



Bộ Y tế đã và đang nỗ lực cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine để đảm bảo từ nay đến cuối năm 2021 tiêm đủ 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng; đồng thời nỗ lực cùng các nhà khoa học trong nước nghiên cứu sản xuất vaccine. 

Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong nước với mong muốn tạo miễn dịch cộng đồng, chúng ta đã tiếp cận được những nguồn vaccine nào?

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Ngay khi có những thông tin đầu tiên về triển vọng phát triển vaccine COVID-19 từ các nước trên thế giới, Bộ Y tế đã chủ động xúc tiến tìm kiếm, xác minh và liên hệ với mong muốn tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 sớm nhất có thể. Tuy nhiên vào thời điểm đó, do điều kiện sản xuất trong nước chưa đáp ứng nên chúng ta chưa thể có thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam. 

Bộ  Y tế đã thay mặt Chính phủ nỗ lực đàm phán để tiếp cận mua hoặc đề xuất viện trợ một số loại vaccine phục vụ tiêm phòng COVID-19, kết quả là dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19. 

Cụ thể, từ tháng 3 năm 2020, Bộ Y tế đã chủ động đàm phán, chuẩn bị các điều kiện theo yêu cầu của COVAX. Tháng 9/2020, COVAX phê duyệt Việt Nam được tài trợ vaccine trong năm 2021 cho 20% dân số, khoảng 38.9 triệu liều. Lô vaccine thứ nhất 811.200 liều về Việt Nam ngày 1/4/2021. Lô vaccine thứ hai 1.682.400 liều về Việt Nam ngày 16/5/2021.

Nguồn thứ hai là nguồn vaccine do AstraZeneca (AZ) sản xuất, tháng 10/2020, Bộ Y tế đã đàm phán với Tập đoàn AZ về việc mua 31 triệu liều vaccine của hãng khi đang thử nghiệm lâm sàng. Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) là đối tác được AZ lựa chọn để ký hợp đồng. Lô hàng thứ nhất 117.600 liều về Việt Nam ngày 24/2/2021. Lô hàng thứ hai 288.100 liều về Việt Nam ngày 25/5/2021.

Nguồn thứ ba là nguồn vaccine của Pfizer/BioNTech, tháng 10/2020, Bộ Y tế làm việc với Pfizer về việc mua 31 triệu liều vaccine của hãng khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng. Ngày 20/5/2021, Bộ Y tế ký hợp đồng mua vaccine; tiến độ cung ứng khoảng 15,5 triệu liều trong quý 3-2021, 15,5 triệu liều trong quý 4-2021. 

Đối với nguồn vaccine của Moderna, tháng 3/2021, Bộ Y tế đã đàm phán trực tiếp, tuy nhiên hãng không có vaccine cung cấp trong năm 2021. Tháng 5/2021, Hãng đã ủy quyền cho Zuellig Pharma phân phối khoảng 5 triệu liều cho Việt Nam. TP Hồ Chí Minh đã đề nghị được mua vaccine này.

Đối với nguồn vaccine của Nga, ngày 2/6/2021, Bộ Y tế đã đàm phán trực tiếp và đạt thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V trong năm 2021.

Phóng viên: Bộ Y tế và các nhà khoa học Việt Nam thời gian qua đã rất nỗ lực trong nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, xin ông cho biết những vất vả và áp lực của các nhà khoa học, cơ quan quản lý để sớm có vaccine tiêm cho người dân? Đến thời điểm này, việc nghiên cứu, thử nghiệm còn những khó khăn gì không, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Chính phủ đã có những Nghị quyết, văn bản chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất và sử dụng vaccine trên tinh thần để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cho cộng đồng. 

Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã và đang tích cực đàm phán, tiếp cận và nghiên cứu vaccine với nỗ lực cao nhất để có thêm vaccine phòng COVID-19. Theo đó, song song với tích cực tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Những khó khăn, vất vả trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine xin trong nước là vô cùng nhiều. Bởi lẽ, trong bối cảnh cấp bách hiện nay, hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 của chúng ta vẫn tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn với tinh thần khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học. 

Sáng 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp mặt với một số nhà khoa học, các đơn vị sản xuất vaccine phòng COVID-19 để động viên, hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước. 

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã biểu dương Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực nhằm nghiên cứu phát triển, tiến tới sản xuất vaccine phòng COVID-19 để chủ động nguồn cung vaccine phòng bệnh trong nước. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài chính và các bộ, ngành liên quan tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho nghiên cứu y sinh học, dược, đặc biệt là vaccine và giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất 1 đơn vị nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine Quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Phóng viên: Phát triển vaccine trong nước cũng được đánh giá có triển vọng với vaccine Nanocovax của Nanogen (bước vào thử nghiệm giai đoạn 3) và Covivac của Ivac (chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2)... ông nhận định thế nào về hai vaccine “Made in Viet Nam" này?

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Đến nay, Việt Nam có hai đơn vị đang nghiên cứu vaccine phòng COVID-19. Trong đó, Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine Nanocovax; Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với vaccine Covivac. 

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện các nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine COVID-19 trong nước. Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng thử nghiệm lâm sàng của các loại vaccine này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. 

Có được kết quả bước đầu này là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine của Việt Nam rất có kinh nghiệm, trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đã có sự hợp tác chặt chẽ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. Ở giai đoạn I (tháng 12/2020), vaccine COVID-19 Nanocovax đã tiêm cho 60 tình nguyện viên và giai đoạn II (tháng 2/2021) đã tiêm trên 554 người. Các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học khẳng định chúng ta đã có một bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vaccine.

Trong tháng 6/2021, vaccine phòng COVID-19 Nanocovax thử nghiệm giai đoạn 3 trên 13.000 người tình nguyện đủ 18 tuổi trở lên, có sử dụng vaccine với liều 25µg và giả dược. Từ ngày 6-6, Học viện Quân y bắt đầu khám sàng lọc và thu tuyển người tình nguyện. Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tổ chức tốt, thì hoàn toàn có lòng tin thời gian tới chúng ta sẽ có vaccine của Việt Nam.

Phóng viên: Được biết, thời điểm này, các nguồn vaccine về Việt Nam rất chậm. Bằng nhiều nỗ lực của Bộ Y tế, liệu trong năm 2021, chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng hay không, thưa ông? Và điều khó khăn nhất trong thời kỳ này là gì?

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện gần 200 cuộc đàm phán, trao đổi với các hãng và những nhà cung ứng để có thể mua vaccine, nhập vaccine, tiếp nhận viện trợ về vaccine. Cho đến thời điểm hiện nay, qua những cuộc đàm phán, những trao đổi như vậy, Việt Nam đã được các nhà cung cấp, các hãng cam kết cung ứng khoảng 128,9 triệu liều vaccine để có thể đảm bảo vaccine từ nay đến cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, ước khoảng trên 70% dân số phải tiêm vaccine phòng bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố và đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở tiêm chủng; xây dựng kế hoạch tiêm chủng đầy đủ, chi tiết về đối tượng, thời gian, cách thức triển khai phù hợp với từng loại vaccine tại từng điểm tiêm chủng; huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng bao gồm: lực lượng Công an và Quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành Y tế trong các đợt triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 để khi có vaccine sẽ đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả, không để lãng phí. 

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong thời điểm hiện nay đó là nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, tiến độ không chắc chắn do nhu cầu sử dụng trên thế giới lớn hơn khả năng cung ứng. Vì vậy, Bộ Y tế vẫn tiếp tục chủ động, nỗ lực đàm phán, làm việc với các quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất để có được nguồn vaccine và triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho người dân Việt Nam.

Phóng viên: Trong tình hình hiện nay xuất hiện nhiều lời mời từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng. Thứ trưởng có khuyến cáo gì đối với người dân để tránh tình trạng bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19?

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. 

Phóng viên: Trong khi nguồn vaccine của chúng ta còn rất hạn chế, mới tiêm được cho trên 1,4 triệu người, trước sự phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, ông có khuyến cáo gì tới người dân?

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, số lượng người mắc bệnh và người chết tiếp tục gia tăng. Tại Việt Nam, dịch bệnh cũng đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, Bộ Y tế kêu gọi mọi người dân, hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.  

Người dân không được chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác phòng, chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. Đồng thời thực hiện khuyến cáo 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập- Khai báo y tế để phòng, chống dịch. Người dân cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn của cơ quan y tế. Liên hệ với đường dây nóng của Bộ Y tế 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp và khó lường, ngành Y tế đã và đang không ngừng nỗ lực cùng với các cấp, các ngành và toàn dân quyết tâm, đồng lòng chiến thắng dịch bệnh. Với các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã và đang được tích cực triển khai trên cả nước, chúng ta tin Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.