Trò chuyện Chủ nhật

Tiêm vaccine giữ vai trò quan trọng hàng đầu phòng dịch bạch hầu

Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:12
Bạch hầu đang gia tăng phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, số mắc đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp. Hiện đã có 70 người dương tính với vi khuẩn bạch hầu, 3 người tử vong, đặc biệt phức tạp ở 4 tỉnh: Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum và Đắk Lắk.

Để hiểu rõ hơn về bệnh dịch nguy hiểm và cách phòng chống căn bệnh này, phóng viên Báo CAND đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng, Trường Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Phóng viên (PV): Thưa ông, bệnh bạch hầu vẫn rải rác xuất hiện hằng năm ở nước ta, nhưng vì sao năm nay tỷ lệ lại tăng gấp nhiều lần?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Bệnh bạch hầu năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt tăng dồn dập vào một thời điểm nên người ta thấy quan ngại. Bệnh tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có tỷ lệ tiêm chủng giảm. Tiêm chủng giảm do có phong trào bài xích vaccine, nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Thứ hai là năm 2019 chúng ta chuyển đổi vaccine nên đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng. Đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trẻ tiêm nhắc lại hoặc tiêm định kỳ đã không tiêm được… Đến lúc tích lũy một số lượng người nhất định mà chưa có miễn dịch tạo ra lây lan và có nhiều trường hợp bệnh xuất hiện.

Tại sao chưa có miễn dịch, do họ chưa tiêm vaccine, không loại trừ trường hợp tiêm chưa đủ mũi, chưa đúng kỹ thuật, chưa có kết quả hoặc do cơ địa không tạo miễn dịch của cá thể… Tỉnh Đắk Nông hàng chục năm chưa có ca bệnh nào, nên khi có đã lây lan nhanh.

PV: Theo lãnh đạo Bộ Y tế, khu vực đang có dịch bạch hầu tỷ lệ miễn dịch cộng đồng rất thấp. Phải chăng trong những năm qua, y tế địa phương chưa làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền và vận động người dân cho con em đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, cũng như không có giải pháp để đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng. Đây có được coi là “lỗ hổng” không thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Vấn đề này phải có nghiên cứu cụ thể mới trả lời chính xác được. Những trường hợp mắc bạch hầu vừa qua đều là đồng bào dân tộc, sống ở vùng sâu vùng xa, không biết những trường hợp này có phải người ở Đắk Nông hay di cư từ đâu đến, có thể di cư từ ngoài Bắc vào, hay từ tỉnh này qua tỉnh khác, chúng ta phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể mới biết được, vì vậy không thể nói do y tế địa phương được. Ví dụ như ca bệnh dương tính với bạch hầu phát hiện ở TP Hồ Chí Minh, nếu lỡ lây cho người dân thành phố thì không thể nói là do y tế TP Hồ Chí Minh không bao quát, đôn đốc người dân tiêm chủng được, mà phải có nghiên cứu cụ thể.

Tuy nhiên Tây Nguyên là vùng trũng của tiêm chủng vì tiếp cận của cán bộ y tế đối với người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa có hạn chế hơn. Hơn nữa kiến thức, ý thức cũng như trình độ của các bậc cha mẹ cũng như người lớn ở khu vực này vẫn còn hạn chế. Thứ ba là người dân còn nghèo, có trường hợp mất cả ngày đi từ bản mới đến xã để tiêm, mà không phải đến là tiêm được ngay. Quản lý nhân khẩu ở đây khá khó khăn, do đất đai rộng mênh mông, dân cư thưa thớt, lối sống du canh du cư khiến cho ngành y tế khó khăn trong vấn đề tiếp cận truyền thông, vận động. Tất nhiên sau này phải có tăng cường hỗ trợ công tác truyền thông cho những tỉnh này, hoặc mở các chiến dịch tiêm chủng như đi đến tận nhà tiêm chủng như ngày xưa.

PV: Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính, 50% trong số 53 ca mắc đầu tiên lại không có triệu chứng, là người lành mang trùng, điều này rất khó để phòng tránh. Xin ông cho biết, bệnh bạch hầu có những biến chứng nguy hiểm như thế nào và tỷ lệ tử vong ra sao?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Bệnh bạch hầu chủ yếu lây qua đường hô hấp, đường giọt bắn, nên rất dễ lây lan khi tiếp xúc. Người lành mang trùng lại càng khó phòng tránh hơn, vì vậy điều tra dịch tễ để truy vết rất quan trọng, giúp những người đã tiếp xúc được dùng kháng sinh dự phòng.

Bệnh bạch hầu là do vi khuẩn cho nên có thể điều trị được bằng kháng sinh. Bệnh có 3 biến chứng nguy hiểm, đó là: Biến chứng đường hô hấp làm viêm nhiễm, tắc đường hô hấp, có thể gây khó thở, thậm chí gây tử vong. Biến chứng viêm cơ tim, làm tổn thương cơ tim, thường các ca tử vong mắc gần đây là do phát hiện quá muộn dẫn tới biến chứng tổn thương cơ tim. Biến chứng thứ 3 là vi khuẩn bạch hầu ảnh hưởng đến não, thần kinh, ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu làm tổn thương hệ thần kinh. Đây là 3 biến chứng chủ yếu và là nguyên nhân gây tử vong. Ngoài ra còn có biến chứng đến cơ quan nội tạng khác.

PV: Vì sao người lớn cũng mắc bạch hầu và bệnh lại xuất hiện ở người đã tiêm phòng đủ mũi, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Bệnh gặp ở người lớn là do họ chưa tiêm chủng nên không có miễn dịch. Hoặc người đã tiêm lâu rồi nhưng không tiêm nhắc lại, bởi có vaccine chỉ có miễn dịch trong 6 năm. Hoặc có những trường hợp đặc biệt cơ thể không có khả năng tạo kháng thể miễn dịch. Về cơ bản, người chưa có miễn dịch thì bị mắc, còn người tiêm phòng đủ mũi, đúng lịch, đúng kỹ thuật thì không mắc bệnh.

Người tiêm phòng rồi mà vẫn mắc bạch hầu thì phải xem lại họ đã tiêm đủ mũi, đúng lịch, đúng kỹ thuật chưa. Nếu đã tiêm đủ mũi, đúng lịch mà vẫn mắc thì có khả năng là do tiêm chưa đúng kỹ thuật hoặc do cơ địa. Tiêm không đúng kỹ thuật là tiêm không theo hướng dẫn cho từng loại vaccine, sai góc đâm kim, độ sâu của kim tiêm, tiêm không đủ liều…, cũng có thể nhân viên y tế ở vùng sâu, vùng xa có kỹ thuật tiêm chưa chuẩn theo quy trình.

PV: Số người mắc bạch hầu tiếp tục gia tăng ở các tỉnh Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận ca bệnh. Để dập dịch ở khu vực này, theo ông chúng ta cần triển khai các giải pháp gì?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Giải pháp dập dịch ở khu vực Tây Nguyên theo tôi là tiêm chủng cho 100% người dân ở vùng dịch, ít nhất tỷ lệ tiêm phải đạt trên 95%. Khu vực có nguy cơ cũng phải tiêm. Như ở trên tôi đã nói, Tây Nguyên là vùng trũng tiêm chủng, nên tiêm vacccine cho người dân vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Việc làm này phải quyết liệt thì mới thành công được.

Bạch hầu là bệnh dịch truyền nhiễm nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, có thuốc điều trị đặc hiệu, có vaccine phòng ngừa, còn COVID-19 là bệnh dịch nhóm A, không có thuốc điều trị, không có vaccine. Vì vậy, dịch xảy ra chỗ nào chúng ta khoanh vùng chỗ đó, cách ly triệt để tại ổ dịch, hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đẩy mạnh tuyên truyền phát hiện ca bệnh sớm, uống thuốc dự phòng để ngăn ngừa bệnh lây lan, phát tán. Tăng cường năng lực chẩn đoán cho y tế địa phương, y tế xã, thôn để chẩn đoán ca bệnh sớm, điều trị sớm nhằm hạn chế tử vong. Tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm cho cán bộ y tế. Các giải pháp này phải triển khai quyết liệt thì mới sớm ngăn chặn dịch bệnh được.

PV: Đối với khu vực miền Trung, hằng năm có các ca bạch hầu rải rác, trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên, khu vực này cần phải làm gì để tránh bùng phát dịch?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Các địa phương này cần tiêm chủng hết cho trẻ em, phải tăng cường tiêm được từ 90% trở lên, nếu được 95% thì càng tốt. Những địa phương có nguy cơ như Lâm Đồng có huyện Đam Rông, cận kề ổ dịch Quảng Hòa, huyện Đăk Glong, Đắk Nông; huyện Ba Tơ, Trà My của Quảng Nam tiếp giáp với Kon Tum, Gia Lai, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc, lối sống, tập quán còn lạc hậu; hay một số huyện của tỉnh Quảng Ngãi…đều là nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chúng ta phải đến tận nhà vận động người dân đi tiêm chủng. Hoặc tỉnh này tiêm giúp tỉnh kia để bảo đảm độ bao phủ tiêm chủng trên diện rộng, người dân được tiêm đủ mũi, đúng lịch. Nhưng các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, phải coi phòng bệnh hơn chữa bệnh thì mới đạt kết quả cao. Còn đối với vùng khác, tỷ lệ tiêm chủng cao, có biện pháp dự phòng thì khả năng xảy ra dịch khó hơn.

PV: Đại dịch COVID-19 vẫn chưa đi qua, dịch bạch hầu lại bùng phát, khiến người dân không khỏi lo lắng. Để dịch không chồng dịch, ông có khuyến cáo gì với người dân?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ biến chứng và tử vong cao, do vậy tiêm chủng là biện pháp duy nhất để phòng bệnh. Người dân phải cho trẻ tiêm phòng đủ 4 mũi, đúng lịch, sau 5-6 năm phải tiêm nhắc lại đến năm 14-15 tuổi. Người lớn ở vùng dịch 6-7 năm phải tiêm nhắc lại một lần. Người chưa tiêm chủng không ở vùng dịch hoặc vùng không có nguy cơ thì không cần tiêm, nhưng nếu đi vào vùng dịch thì tiêm hoặc uống thuốc kháng sinh dự phòng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Trần Hằng (thực hiện)

.
.
.