Sau một năm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, tỉ lệ thành công tới 50%
- Đau lòng hiện tượng thoát nghèo nhờ mang thai hộ
- Chế độ thai sản đối với người mang thai hộ
- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Đây là 2 trường hợp trong tổng số 60 cặp vợ chồng đã được xem xét để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (BV Phụ sản Trung ương).
Bị ung thư tử cung, chị NTX không còn hy vọng được làm mẹ, để gia đình có hạnh phúc tròn đầy. Nhưng việc nhờ mang thai hộ được cho phép từ tháng 1-2015 đã trở thành điều kỳ diệu để biến ước mơ của chị và gia đình thành hiện thực. Sau khi nhờ được người mang thai hộ, chị NTX đã tới Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia nhờ hỗ trợ. Khi bác sĩ thông báo trường hợp của chị đã thành công, chị thấy như ngộp thở trong niềm hạnh phúc, để mỗi giờ phút đều hồi hộp đợi chờ đứa con ra đời.
Không thể phủ nhận việc cho phép mang thai hộ là một chính sách nhân đạo, giúp nhiều gia đình được thỏa mãn khát vọng làm cha, làm mẹ. Sau một năm Nghị định về mang thai hộ chính thức có hiệu lực, đã có khoảng 100 hồ sơ xin mang thai hộ đáp ứng các điều kiện và được chấp nhận tại ba BV được phép tiến hành kỹ thuật mang thai hộ là BV Phụ sản Trung ương, BV Từ Dũ và BV Trung ương Huế. Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, riêng ở BV Phụ sản Trung ương có 60 hồ sơ được duyệt, trong đó đã có 46 ca được thực hiện với tỷ lệ thành công tới 50%. Việc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia đã tiến hành khoảng 4.000 trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm trước đó chính là kinh nghiệm quý để có được tỉ lệ thành công trong kỹ thuật mang thai hộ cao như hiện nay. Còn ở BV Từ Dũ, TS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, cho biết tỉ lệ thành công cũng tới 40-45%. Đây là những con số khá ấn tượng khi tỉ lệ thành công trên thế giới chỉ khoảng 30-40%.
Thành công từ thụ tinh nhân tạo là kinh nghiệm để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thành công đạt tỉ lệ cao. |
GS.TS Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, các cặp vợ chồng được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ đều là những người không còn hy vọng nào có thể tự có con. Trong số các ca được làm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, có trường hợp bị ung thư tử cung, hay không có tử cung. Kỹ thuật lấy trứng, lấy noãn rất khó khăn, nhiều trường hợp không thể lấy như bình thường, nên thậm chí có trường hợp phải lấy qua đường thành bụng, phẫu thuật nội soi. Chưa kể, trong quá trình thực hiện cũng có nhiều rủi ro, thậm chí nguy cơ tử vong, gây biến chứng nặng đối với người phụ nữ. Tuy nhiên, khát vọng làm cha mẹ khiến các cặp hiếm muộn sẵn sàng vượt lên mọi thử thách.
Việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ giờ đây không giới hạn về độ tuổi với người mẹ, mà chỉ quan tâm đến chất lượng, vì có người ít tuổi nhưng dự trữ buồng trứng đã ít, trong khi có những người nhiều tuổi, dự trữ buồng trứng vẫn nhiều. Với các yêu cầu chặt chẽ về sức khỏe, hồ sơ pháp lý, các trường hợp mang thai hộ đều diễn biến bình thường, được chăm sóc y tế chu đáo theo yêu cầu của gia đình, để các bé có thể ra đời khỏe mạnh. “Những người mang thai hộ đều được hưởng chế độ nghỉ thai sản bình thường và không thể có chuyện các thai nhi bị nhiễm bệnh từ người mang thai hộ trong quá trình mang thai” - GS.TS Nguyễn Viết Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, chỉ sau một năm thực hiện Nghị định về mang thai hộ, đã phát sinh một số vấn đề, cho thấy văn bản pháp qui ở lĩnh vực này cần được điều chỉnh. GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho hay, việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ hiện chỉ áp dụng cho những cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý (tim, thận, gan, phổi) và bệnh lý sản phụ khoa, như không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung, sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần, nhưng chuyển phôi thất bại… Song trong thực tế lại có nhiều trường hợp đã có một đứa con, nhưng lại bị tật nguyền do thủ thuật sản khoa, chứ không phải do di truyền, trong khi người vợ lại không thể mang thai được nữa, lại không được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trong khi với họ, có thêm một đứa con sẽ rất nhân đạo, vì là chỗ nương tựa cho tuổi già cũng như cho đứa con tật nguyền. Hay với phụ nữ mang thai lần đầu bị tai biến, buộc phải cắt tử cung để cứu sống mẹ. Người phụ nữ này noãn vẫn bình thường, nếu được phép nhờ mang thai hộ khi có nhu cầu sinh thêm đứa con nữa thì sẽ nhân đạo hơn. Với những điều chưa phù hợp, tới đây, Luật cần ghi nhận cũng như phải sửa đổi Nghị định cho phù hợp.
Được biết, chi phí cho một ca thực hiện kỹ thuật mang thai hộ khoảng 50-60 triệu đồng. Có người phải làm nhiều lần mới thành công. Bên cạnh đó, thủ tục để hoàn thành một hồ sơ được phép mang thai hộ hiện còn nhiều khó khăn về mặt pháp lý với các yêu cầu rất chặt chẽ, như phải chứng minh mối quan hệ họ hàng giữa người nhờ mang thai và người mang thai hộ, rồi hợp đồng pháp lý… sau đó Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học kỹ thuật của BV mới kiểm tra, tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có thể thực hiện được kỹ thuật mang thai hộ không.
Với tư cách một chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật mang thai hộ, GS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh rằng, chỉ những trường hợp không thể tự có con hãy sử dụng kỹ thuật mang thai hộ, vì những khó khăn trong kỹ thuật cũng như các thủ tục pháp lý. Tất nhiên, các bệnh nhân tự làm lấy cũng đòi hỏi phải hết sức kiên trì, vì có người phải làm 3-4 lần, thậm chí, có trường hợp mất 20 năm mới có con được.
Tuy nhiên, không như báo chí dự báo trước đây, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, nhu cầu thực sự về mang thai hộ chỉ khoảng 100 hồ sơ mỗi năm và thời gian tới có tăng cũng không nhiều.