Qui trình chống nhiễm khuẩn kém ở bệnh viện làm tăng việc kháng thuốc

Thứ Hai, 14/01/2019, 16:03
“Không ở đâu lại mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam khi người dân không cần đơn cũng có thể mua được thuốc tại bất kỳ nhà thuốc nào. Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện góp phần làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, việc dùng kháng sinh không kiểm soát trong chăn nuôi cũng góp phần vào tình trạng kháng thuốc.”-  Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Hội nghị 5 năm thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc 2013-2020” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 14-1.



Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng việc kháng thuốc kháng sinh chính là qui trình chống nhiễm khuẩn ở các bệnh viện (BV) chưa tốt, khi những người làm nhiệm vụ ở các đơn vị chống nhiễm khuẩn thiếu kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm lại chưa cao. Nhiều BV, cán bộ kỷ luật mới bị điều làm công tác chống nhiễm khuẩn. Qui trình chống nhiễm khuẩn chưa tốt khiến cho thiết bị y tế chưa chắc đã được kiểm tra đảm bảo chất lượng để tránh nhiễm khuẩn, nên phải tăng việc dùng thuốc kháng sinh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ ra các nguyên nhân làm kháng thuốc kháng sinh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kể lại thực tế mà ông đã gặp tại nhiều BV là có những bệnh nhân lớn tuổi bị gãy xương đùi rồi tử vong, do nhiễm trùng mà không có thuốc chữa. Nhiều bác sĩ cũng tâm sự về tâm trạng bất lực khi phải nhìn bệnh nhân chết dần vì kháng thuốc kháng sinh. Theo công bố của WHO, tính đến tháng 7- 2016, Việt Nam và Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan đều được xác nhận ký sinh trùng sốt rét Plasmodium  falciparum kháng với thuốc điều trị lựa chọn đầu tiên. 

Năm 2016, thế giới có 490.000 người đã phát triển bệnh lao đa kháng thuốc và kháng thuốc đang bắt đầu làm phức tạp cuộc chiến chống lại HIV và sốt rét. Ước tính tỷ lệ kháng thuốc điều trị HIV là 7% ở những người khởi trị với ARV tại các nước đang phát triển, còn ở các nước phát triển, tỷ lệ này là 10–20%. Điều này cho thấy, kháng thuốc kháng sinh đang trở thành thách thức rất lớn đối với các thầy thuốc không chỉ tại Việt Nam và trên thế giới.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

Ông Khuê cũng chỉ ra các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh là việc các bác sĩ kê đơn và cấp phát kháng sinh không hợp lý, như kê đơn kháng sinh với liều quá thấp hoặc quá cao; không kê đơn theo kết quả vi sinh, kéo dài việc điều trị lâu hơn cần thiết; Bệnh nhân tự ý sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc không đủ liệu trình; Sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại; Thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp; Thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn kháng thuốc kháng sinh. Bên cạnh chấn chỉnh việc kê đơn thuốc và bán thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc, bình bệnh án ở các BV, mới đây, Bộ Y tế còn tổ chức truyền thông về phòng chống kháng thuốc cho sinh viên ngành y dược –những bác sĩ, dược sĩ sẽ quyết định việc sử dụng thuốc cho người bệnh trong tương lai.

TS. Satoko Otsu –Trưởng nhóm y tế khẩn cấp của Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết việc kháng thuốc kháng sinh đang làm cho cuộc chiến chống bệnh HIV, sốt rét, lao vv… trở nên khó khăn hơn. Việc điều trị bệnh khó khăn hơn, thậm chí thất bại, sẽ làm giảm nỗ lực của ngành y tế, do đó, kháng thuốc kháng sinh trở thành vấn đề an ninh tế toàn cầu nên đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ hơn để chống lại.

Đại diện nhiều đơn vị y tế tham dự hội nghị

TS. Satoko Otsu ghi nhận Việt Nam là nước tiên phong trong khu vực về việc chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh với việc thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, phòng chống kháng thuốc kháng sinh là một vấn đề nghiêm trọng và không thể giải quyết đơn lẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng để khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, điều quan trọng nhất cần làm là nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc hiệu quả cho chính bản thân và cộng đồng, về việc cần thiết phải mua thuốc theo đơn và có chỉ dẫn của bác sĩ, nhận thức về vấn đề kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm với cộng đồng như thế nào. Đặc biệt phải nâng cao trách nhiệm của các bác sĩ, dược sĩ mới kiểm soát được vấn đề kê đơn, bán thuốc. Vấn đề phải coi trọng là nâng cao chất lượng của đơn vị chống nhiễm khuẩn tại các BV, nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho bệnh nhân.

Thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc ghép tạng

 Đại diện của WHO khuyến cáo Việt Nam tập trung vào các hành động ưu tiên: Phối hợp với cộng đồng để thay đổi hành vi của người tiêu dùng, cán bộ y tế và nông dân về việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Xây dựng kế hoạch hành động có sự tham gia của đa ngành về phòng chống kháng thuốc kháng sinh. Triển khai các hoạt động xét nghiệm có chất lượng với mạng lưới đủ mạnh để tạo ra cơ sở dữ liệu giám sát chặt chẽ về kháng thuốc kháng sinh và sử dụng kháng sinh, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách.

“Việt Nam cũng cần triển khai các chương trình về phòng chống nhiễm khuẩn phù hợp trong BV, cộng đồng và các trang trại, cũng như đảm bảo chất lượng của kháng sinh trên thị trường. Nếu không hành động thì chúng ta sẽ không có thuốc chữa. WHO tiếp tục cam kết để hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển trong xây dựng kế hoạch, ưu tiên hóa và triển khai  Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc kháng sinh”- TS. Satoko Otsu bày tỏ.

Thanh Hằng
.
.
.