Phấn đấu 100% bệnh viện đặt lịch khám chữa bệnh qua mạng
- Bộ Y tế thành lập Hội đồng tư vấn, cấp phép trang thiết bị y tế
- Đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục
Ngày 24/12, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức họp báo Chương trình chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020 - Ehealth Vietnam Summit. Buổi họp báo nhằm chuẩn bị chương trình Chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020 (diễn ra vào 29 – 30/12), công bố nội dung và những điểm nổi bật của chương trình, đồng thời, phát động bình chọn các đơn vị chuyển đổi số y tế quốc gia và đơn vị điểm sáng Việt Nam 2020.
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, đến nay, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế tổ chức ngày 24/12 |
Một số bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác bệnh nhân như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; phát triển ứng dụng bệnh án điện tử cho bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum....
Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cho tới nay đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Một thành tựu nổi bật trong ứng dụng CNTT trong y tế là năm 2020, ngành y tế xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và chính thức khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth vào ngày 25/9.
Theo ông Tường, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Phú Thọ, Bình Dương, ….Đồng thời, đã xây dựng thống kê y tế điện tử trên 36 tỉnh, thành phố. Trong năm 2021, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đặc biệt, ngành y tế đã có những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn COVID-19...
Cũng theo ông Trần Quý Tường, hiện nay, ngành y tế đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế Việt Nam (yte.gov.vn), hệ thống PACS cloud, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và nhiều ứng dụng thiết thực khác, triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia,… hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế.
Ông Tường cũng cho biết, mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới, phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.
Đến năm 2025, 15% bệnh viện chuyển đổi số thành công và phấn đấu đến 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%.