Nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát vào khu công nghiệp
Chỉ trong 2 ngày, Bắc Giang ghi nhận 36 ca bệnh trong KCN và đáng lo ngại hơn, nhiều F0 đã di chuyển đi các nơi bằng phương tiện công cộng. Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và tại các cơ sở sản xuất xuất kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được thực hiện nghiêm túc, còn buông lỏng mà về ổ dịch tại Nhà máy Poyun ở Chí Linh, Hải Dương là một bài học đắt giá.
Hiện nước ta có hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN) đang hoạt động, nếu không siết chặt công tác phòng, chống dịch sẽ gây ra hệ lụy khôn lường cho xã hội và cho sự phát triển kinh tế.
Ổ dịch trong nhà máy đang lây lan mạnh
Ngày 10-5 là ngày Việt Nam ghi nhận con số kỷ lục ca mắc mới kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay - 125 ca lây nhiễm cộng đồng. Ngoài các ổ dịch đã bùng phát trong thời gian qua thì Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và Đà Nẵng là những địa phương có số ca mắc cao nhất trong 2 ngày qua. Tốc độ lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng tại 4 tỉnh này rất nhanh, rất nguy hiểm, đặc biệt là có nhiều ổ dịch nhỏ.
Bắc Giang đang phải đối mặt với ổ dịch tại Khu Công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, nơi có hàng vạn công nhân lao động nên nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất lớn. Công ty TNHH SHIGYOUNG Việt Nam là nơi xuất hiện ca bệnh F0 đầu tiên trong Khu Công nghiệp Vân Trung.
Ca F0 này là nữ công nhân, ngày 2/5 có đến chơi và tiếp xúc với hai vợ chồng người quen ở cùng thôn vừa từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều về. Hằng ngày, nữ công nhân đến nơi làm việc, thường xuyên tiếp xúc với những người trong cùng phân xưởng. Tới ngày 8/5, nữ công nhân nhận được thông báo 2 vợ chồng mình đến chơi mắc COVID-19.
Ngay sau đó, nữ công nhân khai báo y tế và được đưa đi cách ly. Từ ca F0 này, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện thêm 32 ca bệnh liên quan làm cùng một phân xưởng. Tỉnh Bắc Giang rà soát được hơn 1.300 người tiếp xúc gần với các ca bệnh này, trong đó có 512 F1. Đến tối 10/5, kết quả xét nghiệm có thêm 4 ca mắc đều là các F1.
Tỉnh Bắc Giang nhận định đây là ổ dịch nguy hiểm, kiểm soát khó khăn do xảy ra tại khu công nghiệp là nơi có mật độ công nhân tập trung lớn, di chuyển rộng, nhiều F0 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng, tốc độ lây lan nhanh.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang đã thiết lập vùng cách ly y tế đối với 9 thôn, tổ dân phố, giãn cách xã hội 6 xã, phường, thị trấn và 3 tổ dân phố thuộc 5 huyện, thành phố liên quan đến nơi ở của các bệnh nhân nói trên.
Ngoài đóng cửa Công ty TNHH SHIGYOUNG, tỉnh Bắc Giang đã họp và chấn chỉnh tăng cường các biện pháp phòng dịch với các công ty trong Khu Công nghiệp Vân Trung, đồng thời triển khai các giải pháp cấp bách sẵn sàng cho kịch bản ứng phó dịch lây sang các công ty khác.
Để chuẩn bị cho kịch bản có nhiều ca bệnh trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang đã tái kích hoạt bệnh viện dã chiến sẵn sàng đón và điều trị 300 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Đồng thời giảm quy mô, giãn tần suất nhập cảnh của lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài Bắc Giang, sáng 10/5, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã thực hiện cách ly hơn 260 người là nhân viên, công nhân làm việc tại chi nhánh Công ty Monstar – Lab Việt Nam - lô 35 đường số 4 KCN An Đồn do liên quan 1 ca COVID-19. Người mắc là 1 nhân viên chi nhánh Công ty Monstar-Lab Việt Nam. Đây là địa phương thứ 2 trên cả nước có ca bệnh trong KCN.
Xét nghiệm COVID-19 cho công nhân ở khu công nghiệp Hải Dương. |
Nhiều địa phương còn buông lỏng
Không riêng Bắc Giang, Đà Nẵng, hiện nay nhiều địa phương có KCN hoạt động công tác phòng chống dịch còn buông lỏng, nếu để dịch lan vào đây, nguy cơ bùng phát sẽ rất nhanh, hậu quả rất lớn.
Tại công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố sáng 10/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chỉ rõ, trong công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và tại các cơ sở sản xuất xuất kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo.
Nhiều địa phương còn chưa xây dựng kế hoạch và phương án cách ly phòng, chống dịch COVID khi có trường hợp dương tính xảy ra tại KCN; chưa thực hiện triển khai cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ sở sản xuất xuất kinh doanh.
Việc tập huấn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc và kí túc xá cho các cơ sở sản xuất xuất kinh doanh còn hạn chế, chỉ thực hiện được cho 5-10% số cơ sở sản xuất xuất kinh doanh. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành phố đã có trường hợp mắc tại các cơ sở sản xuất xuất kinh doanh trong khu công nghiệp cần tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) tại cơ sở sản xuất xuất kinh doanh thông qua quản lý ca làm việc, camera tại các vị trí công cộng, căng tin, nơi nghỉ ngơi giữa ca làm việc... để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.
Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với F0 đều coi là F1. Đồng thời đề nghị khẩn trường phát hiện, lập danh sách và thông báo ngay cho các tỉnh, thành phố danh sách những người lao động có liên quan ở các địa phương khác để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng.
UBND cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ sở lao động trên địa bàn quản lý nghiêm túc thực hiện Quyết định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động".
Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh phải nhanh chóng khắc phục mọi thiếu sót nêu trên, nếu trậm chễ, dịch bùng phát sẽ gây ra hậu quả lớn. Yêu cầu các địa phương xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong khu công nghiệp và tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại khu công nghiệp.
Đồng thời người sử dụng lao động phải ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chồng dịch tại cơ quan, đơn vị. Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc.
Rút kinh nghiệm từ đợt dịch vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp không bảo đảm quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh tại nơi làm việc sẽ phải dừng hoạt động và bị xử lý nghiêm theo quy định.
Đối với lao động tỉnh ngoài đến làm việc, các chủ doanh nghiệp tổ chức cho người lao động từ các vùng dịch ở tại doanh nghiệp để làm việc (đối tượng thuộc diện F1, F2 cách ly theo quy định). Đặc biệt, từ ngày 10-5, huyện Cẩm Giàng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn dừng tiếp nhận công nhân từ vùng, khu vực có dịch đến lao động, làm việc tại doanh nghiệp.
Hà Nội cũng là địa phương có nhiều KCN, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch công đoàn KCN-KCX Hà Nội cho biết, hiện các hoạt động sinh hoạt tập thể của các công ty trong các KCN tại Hà Nội đều đã được điều chỉnh.
Ví dụ, tại các bếp ăn, ngoài việc thực hiện vách ngăn ở bàn ăn, doanh nghiệp đã điều chỉnh giờ ăn theo ca để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tập trung đông người.
Công đoàn KCN-KCX cũng đã có kịch bản cho tình huống nếu có dịch xảy ra, giả thiết từ 10-1.000 ca nhiễm trong KCN, sẽ tùy từng mức độ để kích hoạt các giải pháp phòng dịch tương ứng, từ việc truy vết, khoanh vùng tới đảm bảo nguồn lực hỗ trợ sản xuất…