Những tiến triển trong điều trị COVID-19 tại Việt Nam
- Bệnh nhân COVID-19 tử vong thứ 24 ở Việt Nam
- Thêm 20 ca mắc COVID-19 mới, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân tử vong thứ 23
- Thêm 6 ca mắc COVID-19 mới, 1 trường hợp tử vong
Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh COVID-19 thứ 24 tử vong kể từ ngày 25/7 khi đợt dịch thứ 2 xuất hiện, đến nay còn khoảng 10 ca bệnh nặng, nguy kịch.
Tuy nhiên, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 đã có những tiến triển với việc chúng ta vừa điều trị thành công cho 1 ca bệnh nặng, phải thở máy, chạy ECMO và thay huyết tương; 44 bệnh nhân ở Đà Nẵng đã khỏi bệnh, xuất viện; hơn 100 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 tới nhiều lần.
Nhiều chuyên gia, giáo sư giỏi đã được điều vào miền Trung, nỗ lực từng giây, từng phút cứu chữa bệnh nhân COVID-19 suốt những ngày qua.
Lời cảm ơn xúc động của bệnh nhân chữa khỏi COVID
Những dòng chữ cảm ơn của bệnh nhân 582 viết trong bức thư chỉ bằng tấm bìa carton nhưng đã thể hiện sự xúc động và biết ơn của người bệnh gửi tới những thầy thuốc đã nỗ lực vất vả ngày đêm cứu chữa cho ông suốt hơn 2 tuần qua, cứu ông thoát khỏi “cửa tử”. Trong thư, nam bệnh nhân viết: “Cảm ơn sự thân thiện của các bác sĩ, y tá BV Chợ Rẫy, BV Đà Nẵng, BV Phổi Đà Nẵng, Sở Y tế đã dành sự yêu thương bệnh nhân như yêu thương người thân. Tôi vô cùng biết ơn họ rất nhiều”.
Bệnh nhân 582, SN 1965 cùng với bệnh nhân 615, nữ, SN 1993, đều trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng được công bố chữa khỏi COVID-19 tại BV Phổi Đà Nẵng vào sáng 16/8. Điều đặc biệt là bệnh nhân 582 có bệnh lý nền tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, khi mắc COVID-19, bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh và có thời điểm rơi vào nguy kịch. Để điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ phải thực hiện ECMO và thay huyết tương, hồi sức tích cực trong hơn 2 tuần.
Bệnh nhân 582 tặng hoa và cảm ơn các thầy thuốc đã cứu ông thoát khỏi “cửa tử”. |
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy - người đã điều trị trực tiếp cho bệnh nhân chia sẻ, đây là bệnh nhân nặng đã được các thầy thuốc, nhân viên y tế nỗ lực cứu chữa trong thời gian qua. Ngày đầu vào nhập viện, qua chụp Xquang cho thấy bệnh nhân bị tổn tương phổi. Hai ngày sau thì tổn thương phổi bên phải khá nặng nề, đặc biệt là bệnh nhân có bệnh lý nền của suy giảm miễn dịch.
Thời điểm bệnh nhân diễn biến nặng, tại BV Phổi Đà Nẵng chưa thiết kế khu ICU, nên e-kip bác sĩ của BV Chợ Rẫy phải chuyển sang điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới của BV Đà Nẵng. Tuy nhiên, diến biến của bệnh nhân chuyển biến xấu rất nhanh, ngày 2/8 e-kíp điều trị đã phải triển khai ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) và đồng thời lọc máu cho bệnh nhân.
Các bác sĩ, nhân viên y tế đã nỗ lực ngày đêm điều trị, theo dõi sát sao diễn biến của người bệnh, tiến triển của bệnh nhân đã tốt lên và cai được ECMO vào ngày 5/8. Bệnh nhân được chuyển về BV Phổi Đà Nẵng để thực hiện thay huyết tương và tiếp tục điều trị COVID-19.
Trong quá trình điều trị, nam bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính với SARS-CoV-2. “Bệnh nhân đã được điều trị khỏi COVID-19, tuy nhiên cần giai đoạn phục hồi chức năng và trở lại bình thường trong khoảng 1 tuần nữa khi tình trạng ổn định hơn”, BS Linh khẳng định.
Theo BS Linh, với ca bệnh 91 là nam phi công người Anh, chúng ta mất hơn 100 ngày điều trị và thành công của ca bệnh này cứu người bệnh khỏi “cửa tử”, không phải ghép phổi như dự tính trước đó. Còn với bệnh nhân 582 thời gian điều trị thành công ngắn hơn, chúng ta thực hiện ECMO ngay từ đầu cho bệnh nhân do đã có kinh nghiệm.
Chúng ta kết hợp điều trị nhiều chuyên khoa, thông qua các cuộc hội chẩn trực tuyến với các giáo sư đầu ngành, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, của Tiểu ban Điều trị và kinh nghiệm của các bác sĩ đúc kết trong suốt quá trình điều trị từ khi có dịch đến nay.
Các thầy thuốc giành giật từng giây sự sống cho người bệnh
Theo Bộ Y tế, tới nay, Bộ đã cử gần 300 chuyên gia, giáo sư đầu ngành, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của các Bệnh viện, Viện lớn trên cả nước để dốc toàn lực cho miền Trung trong công tác khoanh vùng, dập dịch và điều trị bệnh cho bệnh nhân nặng.
Các bệnh nhân nặng được điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hòa Vang và BV Trung ương Huế. Vì ổ dịch được xác định ở 3 bệnh viện của Đà Nẵng, nên virus SARS-CoV-2 “tấn công” vào những bệnh nhân có từ 3-4 bệnh nền, dẫn đến bệnh nhân nguy kịch và tử vong nhanh.
So với giai đoạn 1, công tác điều trị ở giai đoạn này khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, trong đoàn công tác của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng có rất nhiều chuyên gia về ECMO, thận nhân tạo, tim mạch, đái tháo đường, điều trị sốc, điều trị bệnh truyền nhiễm và các bệnh nhiễm trùng khác.
Theo TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, người có mặt sớm tại Đà Nẵng để tham gia vào hội chẩn, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng thì trong suốt những ngày qua, các thầy thuốc đã nỗ lực từng phút, từng giây. Đối với những bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền mãn tính, việc nhiễm COVID-19 đã làm tổn thương tạng tăng lên vì trước đó bản thân họ có những tổn thương. Khi không may mắc COVID-19 đã làm các tổn thương đó nặng hơn.
“Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đó là tình trạng cơn bão cytokine, một phản ứng miễn dịch cấp tính gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng suy đa phủ tạng sẽ nặng hơn khi người bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2”, BS Sơn cho biết.
Đây cũng là những lý do vì sao khi chúng ta điều trị các ca bệnh trên nền bệnh nhân mắc các bệnh lý nặng sẽ rất khó khăn. Vì các thầy thuốc không chỉ điều trị riêng COVID-19 mà còn phải điều trị cả các bệnh lý nền trước đó của bệnh nhân, như bệnh thận giai đoạn cuối, ung thư, suy giảm miễn dịch.
Có mặt ở Trung tâm Y tế Hòa Vang để thiết lập và giúp cứu chữa các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cho biết, Trung tâm Y tế Hòa Vang hiện có hơn 20 bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2 bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo, có nhiều bệnh nhân nặng. Vì bệnh nhân chạy thận đông nên các bác sĩ phải lên lịch, bệnh nhân chạy ngày chẵn, ngày lẻ, ca sáng và ca chiều.
“Nhưng nếu thấy bệnh nhân nào bất thường chúng tôi phải cho lọc ngay không chờ theo lịch. Chúng tôi luôn theo dõi sát sao, nếu bệnh nhân nào có vấn đề phải chuyển ra phòng hồi sức tích cực ngay”, BS Dũng nói.
Mỗi ngày BS Dũng đi kiểm tra bệnh án, kiểm tra buồng bệnh 2 lần, mỗi lần mất ít nhất 2-3 tiếng, sau đó là kiểm tra đến các thiết bị chạy thận như bình muối, nước lọc thận... Nếu bệnh nhân có chuyển biến nặng, ngay lập tức BS Dũng hội chẩn với các thầy thuốc và cho bệnh nhân vào khu ICU, khi nào bệnh nhân đỡ mới chuyển sang lọc máu. “Công việc rất nhiều, nên phải chia ra mới hợp tác chắc chắn được”, BS Dũng cho biết.
Suốt những ngày qua, có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã hơn 20 ngày chưa về gia đình, với lượng bệnh nhân đông, nồng độ virus cao, đã có hơn 20 nhân viên y tế nhiễm bệnh, nhiều người kiệt sức. Song, tất cả vì bệnh nhân, họ đã nỗ lực hết sức mình để cứu chữa người bệnh.
Theo đánh giá của Ths.Bs Nguyễn Trọng Khoa, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, việc chữa khỏi COVID-19 cho bệnh nhân 582 là sự nỗ lực cao của các y bác sĩ để cứu sống và giúp bệnh nhân phục hồi. Đây là những tín hiệu tích cực để giúp các bác sĩ và nhân dân lạc quan hơn trong cuộc chiến phòng chống COVID-19.