Nhiều bệnh nhân trở về từ ‘cõi chết’ nhờ kỹ thuật ECMO

Thứ Tư, 06/05/2015, 20:42
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Trương Dương Tiển, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Chợ Rẫy, ECMO (Oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể)có thể được gọi là “cứu cánh” cuối cùng để giúp bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, suy tim nặng… thoát khỏi tử vong. 

ECMO được sử dụng cho các trường hợp: suy hô hấp cấp, viêm cơ tim cấp, suy tim cấp mà các phương pháp thông thường không còn đáp ứng được.

Theo đó, khi vận hành, máu bệnh nhân sẽ được đưa ra khỏi cơ thể thông qua một cái màng. Giống như thay thế cho một cái phổi của con người. Nó sẽ cho máu gắn kết, tiếp xúc với o xy, sau đó lại trả về cơ thể bệnh nhân.

Chi phí mua một màng lọc này cùng thiết bị đi kèm vào khoảng 85 triệu đồng (màng lọc có tác dụng trong 14 ngày sử dụng liên tục).

Bệnh nhân vừa được cứu sống nhờ kỹ thuật ECMO tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Cơ chế hoạt động của kỹ thuật ECMO cũng có 2 cách: có thể lấy máu từ tĩnh mạch trả về tĩnh mạch, như trong trường hợp suy hô hấp cấp; lấy máu từ tĩnh mạch trả về động mạch trong trường hợp viêm cơ tim cấp.

Điển hình với trường hợp được áp dụng chạy máy ECMO tại Chợ Rẫy thời gian qua như trường hợp bệnh nhân N.V.B (nam, 24 tuổi,  ngụ tại Long An, bị tai nạn giao thông).

Bệnh nhân này nhập viện Chợ Rẫy vào ngày 24/9/2014 với tình trạng gãy xương xương đùi, gẫy 2 xương cẳng chân trái và xương cẳng tay trái, kèm theo dập phổi, gây tràn khí máu màng phổi trái.

Bệnh nhân đã được đưa vào điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình, nhưng đột ngột bị biến chứng do dập phổi gây suy hô hấp cấp, tình trạng ngày càng nặng, tiến triển đến ngưng hô hấp tuần hoàn, được hồi sức tích cực và nhanh chóng chuyển đến khoa Hồi Sức Cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân được chỉ định chạy ECMO (lấy máu ra từ tĩnh mạch và được oxy hóa, sau đó máu được trả về cơ thể bệnh nhân qua đường tĩnh mạch).

Theo BS Tiển, đây là phương thức V-V ECMO – hỗ trợ hô hấp là chính. Và sau 23 ngày được “chạy” ECMO liên tục, bệnh nhân đã ổn dần và được cai máy ECMO, tiếp theo là cai máy thở. Ngày 17/11/2014 bệnh nhân đã được xuất viện sau 53 ngày điều trị.

Một bệnh nhân khác: N.T.A (nữ, 34 tuổi, là công nhân khu công nghiệp Tân Bình), nhập viện ngày 28/2/2015 với triệu chứng mệt và khó thở, được các bác sĩ  chẩn đoán: “viêm cơ tim do virus,  choáng tim nặng”.

Tình trạng bệnh nhân khi vào Khoa Hồi sức cấp cứu với huyết áp tụt, không nâng lên được và buộc phải hỗ trợ máy thở. Vài giờ sau nhập viện, bệnh nhân còn thêm tình trạng rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm.

Khoa hồi sức đã chỉ định bệnh nhân được sử dụng phương thức V-A ECMO, nghĩa là máu được rút ra khỏi bệnh nhân từ một tĩnh mạch lớn, cho chạy qua máy ECMO, sau đó được đưa lại cơ thể qua con đường động mạch). Sau 7 ngày “chạy” ECMO, ngày 11/4/2015, bệnh nhân đã được xuất viện.

Vào ngày 5/5/2015, một bệnh nhân mới nhất vừa được cứu sống nhờ “chạy” máy ECMO là bệnh nhân V.H.H (nữ, 23 tuổi, ngụ tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) do bị viêm phổi do vi rút.

Trước đó vào ngày 23/3/2015, khi nhập viện Chợ Rẫy bệnh nhân trong tình trạng: viêm phổi nặng và còn đang mang thai đã 36 tuần.

Các bác sĩ tại Chợ Rẫy đã tiến hành mổ “bắt” con, chấm dứt thai kỳ sớm cho bệnh nhân. Bé gái của bệnh nhân đã được ra đời an toàn, nặng 2,6 kg.

Sau ca mổ, bệnh nhân tiếp tục được đưa xuống khoa Hồi sức cấp cứu để “chạy” máy ECMO do đã suy hô hấp cấp nặng. Ngày 5/5/2015, tức là sau 35 ngày được chạy máy ECMO, được thay 3 màng lọc, bệnh nhân V.N.H đã hoàn toàn thoát khỏi “cửa tử”.

Tại hội nghị thường niên được tổ chức tại bệnh viện Chợ Rẫy tháng 4 vừa qua, kỹ thuật ECMO đã được giới khoa học đánh giá rất cao. Ghi nhận từ biện pháp ECMO cho thấy, 75% bệnh nhân đã sống sót nhờ phương pháp tĩnh-tĩnh mạch (hỗ trợ suy hô hấp cấp) và 67% với phương pháp tĩnh-động mạch (trường hợp viêm cơ tim).

Hiện ở phía Nam, bệnh viện Chợ Rẫy là nơi đầu tiên được đặt một máy ECMO tại khoa Hồi sức cấp cứu điều trị cho bệnh nhân có chỉ định.

Kỹ thuật ECMO  đã chính thức được áp dụng từ năm 2011 tới nay tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM); đã được coi như một phép nhiệm màu, cứu sống được nhiều bệnh nhân nguy kịch, khi đã rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp hay suy tim nặng, mà bằng các biện pháp thông thường không thể cứu được.

ECMO đã được giới Chuyên gia đánh giá là kỹ thuật cao cấp nhất trong hồi sức tích cực hiện nay. Cho tới nay, đã có 20 trường hợp được cứu sống tại khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy nhờ được “chạy” ECMO.

Huyền Nga
.
.
.