Áp dụng như người nghi nhiễm SARS-CoV-2 khi vào viện cấp cứu chưa có kết quả xét nghiệm

Thứ Năm, 24/06/2021, 18:35
Trường hợp người bệnh cần cấp cứu, phẫu thuật khi chưa có kết quả xét nghiệm sàng lọc thì áp dụng như với đối tượng người nghi nhiễm SARS-CoV-2 cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính. 

Ngày 24/6, Bộ Y tế có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB).

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tình hình bệnh dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng với số lượng ca nhiễm tăng cao, đặc biệt nhiều trường hợp không xác định được nguồn lây và yếu tố dịch tễ. Tại một số bệnh viện đã xuất hiện lây nhiễm SARS-CoV-2, trong đó nguồn lây nhiễm ban đầu được xác định từ cộng đồng.

 Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.

Khai báo y tế khi đến cơ sở khám, chữa bệnh

 Các cơ sở KCB bố trí khu vực khám, sàng lọc và cách ly tạm thời đúng yêu cầu để cách ly tạm thời toàn bộ người bệnh, người nhà người bệnh trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. 

Trường hợp người bệnh cần cấp cứu, phẫu thuật khi chưa có kết quả xét nghiệm sàng lọc thì áp dụng như với đối tượng người nghi nhiễm SARS-CoV-2 cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính. 

Áp dụng các nguyên tắc 5K đối với tất cả nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh. 

Các cơ sở KCB tổ chức các khu vực, ca làm việc hợp lý, hoạt động độc lập, giảm thiểu tối đa nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nhau trong ca làm việc và giữa các ca với nhau. Hạn chế tối đa việc di chuyển của nhân viên y tế giữa các khoa, phòng. 

Áp dụng hình thức họp, giao ban trực tuyến, làm việc trực tuyến phù hợp với khối hành chính. 

Bảo đảm thông thoáng và trao đổi khí tối đa trong phòng bệnh, phòng khám, phòng làm việc và tất cả các không gian kín khác. Tăng cường các biện pháp thông khí tự nhiên hoặc cơ học.

Bố trí khu vực cách ly tạm thời, vùng đệm tại tất cả các khoa lâm sàng để cách ly người nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình điều trị và người bệnh mới vào điều trị nội trú. 

Yêu cầu nhân viên y tế trong quá trình làm việc cũng như trong sinh hoạt tại cộng đồng luôn ý thức được “Bệnh viện là thành trì cuối cùng” trong phòng chống dịch COVID-19, từ đó nâng cao tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, thân nhân, đồng nghiệp, người bệnh và cộng đồng.


Trần Hằng
.
.
.