Ngân hàng sữa mẹ an toàn-tầm quan trọng với sức khoẻ của trẻ sinh non

Thứ Sáu, 05/04/2019, 20:35

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại TP. HCM và là ngân hàng thứ 2 trong cả nước đặt tại Bệnh viện Từ Dũ TP. HCM dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ 10-4, là nguồn cung cấp sữa mẹ cho những trẻ sinh non.



Chị Phạm Thị Hồng (33 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ TP. HCM lúc thai 27 tuần tuổi, bé trai chỉ nặng hơn 1,1kg phải nằm trong khu vực dành riêng cho trẻ sinh non. Hàng ngày chị vẫn cố gắng vắt sữa cho con bú nhưng được rất ít, không đủ cho bé. Thương con nên chị rất mong mỏi xin được sữa của những bà mẹ khác cho con mình.

Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ TP .HCM.

Đó là cũng là cảnh ngộ của nhiều bà mẹ sinh con thiếu tháng, nhẹ cân phải được nuôi và điều trị bằng dịch truyền tại khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ. 

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận khoảng 6.000 – 7.000 trẻ sinh non dưới 37 tuần tuổi, đa phần là nhẹ cân cần điều trị (dưới 1,5 kg). Nếu tính cả các bệnh viện sản khoa như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và các cơ sở y tế khác tại TP. HCM, số trẻ sinh non vào khoảng 18.000 trẻ mỗi năm.

Bệnh viện Từ Dũ ưu tiên lấy nguồn sữa hiến tặng từ các bà mẹ đang có con điều trị tại Đơn vị chăm sóc trẻ Kangaroo bởi sữa các bà mẹ sinh non tháng sẽ phù hợp cho các bé sinh non. 

Theo BSCKII Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ, sữa mẹ không chỉ là dinh dưỡng đối với trẻ sinh non mà còn là sự sống còn của trẻ. Trẻ sinh non uống sữa công thức dễ bị hoại tử ruột, đã có nhiều trẻ phải phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ tăng, dễ bị các biến chứng về nhiễm trùng, giảm đề kháng… 

Đã có nhiều bà mẹ nhiều sữa muốn chia sẻ sữa nhưng việc cho sữa tự phát tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ từ việc vắt sữa, lưu trữ tủ đông không đúng ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Đặc biệt có những bệnh lây truyền qua sữa mẹ mà ngay người cho sữa không biết. Vì vậy, việc thành lập Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ vừa giải quyết được nhu cầu làm thiện nguyện chia sẻ sữa dư, vừa giúp các trẻ sinh non có sữa mẹ để bú khi bà mẹ ruột bị thiếu sữa.

Ngày 1903 vừa qua, đợt sữa đầu tiên được đưa vào vận hành thử nghiệm tại Ngân hàng sữa mẹ đã đạt tiêu chuẩn vi sinh sau thanh trùng. Đến nay, ngân hàng đã vận động được 6 bà mẹ hiến tặng với hơn 30 lít sữa được thanh trùng. 

Hiện Bệnh viện Từ Dũ ưu tiên lấy nguồn sữa hiến tặng từ các bà mẹ đang có con điều trị tại Đơn vị chăm sóc trẻ Kangaroo bởi sữa các bà mẹ sinh non tháng sẽ phù hợp cho các bé sinh non. Ngoài ra, Ngân hàng sữa mẹ sẽ nhận nguồn sữa hiến tặng từ nhân viên y tế và từ các bà mẹ ở cộng đồng.

Những bà mẹ hiến tặng sữa sẽ được cho mượn máy vắt sữa, túi bảo quản sữa, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ sữa trong tủ lạnh, có dán nhãn code tên người tặng và ngày giờ vắt. Sau đó, sữa được rã đông để thanh trùng nhằm loại bỏ các tác nhân vi sinh học như nấm, vi khuẩn, virus, bào tử…trong khi vẫn đảm bảo dinh dưỡng và miễn dịch của sữa mẹ. Trước và sau bước thanh trùng, sữa mẹ được xét nghiệm vi sinh, nếu không đạt yêu cầu, mẻ sữa sẽ bị hủy bỏ.

Theo Thạc sĩ Lê Quỳnh Trang Đài – điều phối viên Ngân hàng sữa mẹ, bệnh viện tổ chức khoảng 100 tình nguyện viên là đoàn viên thanh niên, nhân viên y tế của bệnh viện đến nhận sữa tại nhà các bà mẹ, kiểm tra việc thực hành về lưu trữ sữa, kiểm tra sức khỏe các bà mẹ có đáp ứng tiêu chí được hiến sữa qua các bài test..vv..  Nguồn hiến tặng sữa được sàng lọc qua nhiều bước, kể cả rà soát hồ sơ bệnh án hoặc qua lấy mẫu máu xét nghiệm.

Bệnh viện Từ Dũ cho biết, sau khi hoạt động ổn định, bệnh viện hy vọng sẽ liên kết với các bệnh viện sản khoa trên địa bàn để nhận và cung cấp sữa cho các bé sinh non đang được chăm sóc điều trị ở các bệnh viện nhi.

H.Nga-M.Hạnh
.
.
.