Mất an ninh bệnh viện: Nhiều nơi chưa phối hợp tốt với lực lượng Công an
Nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ các thầy thuốc, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự BV” tại Hà Nội ngày 6-4 với sự tham dự của nhiều bộ, ngành.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết, những năm gần đây, đã có 20 vụ điển hình về mất ANTT ở BV, như người nhà bệnh nhân đuổi đánh bác sỹ, điều dưỡng ở Khoa Cấp cứu của BV Bạch Mai, côn đồ hành hung người đang cấp cứu ở BV Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, đặc biệt là vụ người nhà đâm chết bác sĩ tại BV huyện Vũ Thư, Thái Bình vv… Người bị tấn công chiếm 70% là bác sĩ và 15% là điều dưỡng. Đặc biệt, tới 60% vụ việc xảy ra trong khi thầy thuốc đang cấp cứu người bệnh.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết tình hình an ninh BV thời gian qua |
Đại diện Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân cơ bản của mất ANTT BV là do chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế. Ở các nước phát triển, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế, dù chỉ là lời nói, đều bị trừng phạt nặng. Các BV ở Anh đều ghi rõ “Các hành vi xâm phạm nhân viên y tế bằng vũ lực hay lời nói sẽ bị phát luật xử lý”.
Trong khi đó nhận thức của người dân về thực hiện nghĩa vụ trong KCB chưa đầy đủ. Một số đối tượng lợi dụng các sự cố y khoa để đe dọa, tống tiền nhằm trục lợi. Công tác KCB có tính rủi ro cao mà nhiều BV lại quá tải, nhân viên y tế làm việc quá sức nên chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn đến người nhà bệnh nhân dễ xung đột với nhân viên y tế.
Một nguyên nhân dẫn đến mất an ninh BV thời gian qua là nhiều BV chưa chủ động phối hợp với các lực lượng Công an để thực hiện tốt các phương án phòng chống khủng bố, phòng chống trộm cắp trong BV. Lãnh đạo nhiều BV chưa coi trọng vấn đề an ninh nên việc vào ra phòng cấp cứu còn khá dễ dàng, nên một số đối tượng vào khu vực nhân viên y tế đang chăm sóc người bệnh để hành hung họ.
Đại tá Phạm Văn Tám,chỉ ra một số nguyên nhân mất an ninh BV |
Yếu tố chủ quan cũng được PGS.TS. Lương Ngọc Khuê thẳng thắn chỉ ra là y đức và tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử của một số thầy thuốc là nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn. Trong khi đó, nhân viên bảo vệ BV thiếu chuyên nghiệp, không đủ năng lực để chống lại đối tượng gây mất an ninh, thậm chí nhân viên bảo vệ của BVĐK Cần Thơ còn bỏ chạy khi thầy thuốc bị tấn công.
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục C45 (Bộ Công an) cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến mất an ninh BV: Các BV còn hạn chế về các trang thiết bị an ninh bảo vệ; lực lượng bảo vệ còn thiếu chuyên nghiệp, nhất là trong phản ứng với các tình huống nguy hiểm; việc kiểm soát người ra vào còn buông lỏng.
Thái độ ứng xử với bệnh nhân, người nhà của một số bác sĩ chưa chuẩn mực, khi nhũng nhiễu, gây bức xúc cho người nhà bệnh nhân, thường xảy ra tại các ca cấp cứu liên quan đến chấn thương, sinh đẻ. Sự thiếu các kỹ năng về tâm lý cho người nhà bệnh nhân của các bác sĩ trong giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng người bệnh cũng khiến họ phẫn nộ, dẫn đến các hành vi quá khích, thậm chí hành hung y bác sĩ…
Quy trình KCB, chi phí khám, điều trị tại một số BV chưa khoa học, gây phiền toái, mệt mỏi cho người nhà bệnh nhân, thời gian chờ đợi lâu khiến dễ cáu gắt. Thế nhưng chỉ có các BV lớn mới có sự phối hợp với lực lượng Công an trong đảm bảo ANTT, còn chủ yếu thuê lực lượng bảo vệ của các công ty tư nhân.
Theo Đại tá Phạm Văn Tám, để bảo vệ nhân viên y tế, các BV cần lựa chọn các nhân viên bảo vệ của các công ty có trình độ, chuyên môn chuyên nghiệp, có khả năng ứng phó với các tình huống, đồng thời, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức, nghề nghiệp.
An ninh BV trở nên cấp bách sau vụ mất con ở BV Phụ sản Trung ương |
Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho rằng ngoài việc tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, cán bộ y tế phải học tập, tìm hiểu, nâng cao sự hiểu biết về tâm lý người bệnh, về pháp luật và kiến thức về xã hội… Đặc biệt, khi có dấu hiệu nguy hiểm đến bản thân, bắt buộc phải tự bảo vệ bằng cách từ chối KCB.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết giải pháp của ngành y tế thời gian tới là chỉ đạo các cơ sở KCB và nhân viên y tế tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, như nâng cao trình độ chuyên môn, giảm quá tải BV. Yêu cầu thầy thuốc phải có kiến thức, kỹ năng xã hội, hiểu biết tâm lý người bệnh, gia đình người bệnh để ứng xử phù hợp; có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột. Bổ sung Luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an tăng cường phối hợp, giúp ngăn chặn tình trạng "cò" níu kéo người bệnh, nạn côn đồ tấn công BV; tăng cường quản lý tình trạng hoạt động không phép, vấn đề xuất nhập cảnh của bác sĩ nước ngoài, quản lý thuốc, vật tư, thiết bị y tế...