Làm tan khối bướu 'khổng lồ' không cần phẫu thuật cho hai bé sơ sinh

Thứ Sáu, 25/09/2015, 15:36
Hai bé sơ sinh mới được 1 và 2 tháng tuổi bị dị tật bẩm sinh khối bướu vùng cổ lại nằm ở vị trí “hóc, hiểm”, nhưng các BS đã lập nên kỳ tích, làm tan khối bướu mà không cần phẫu thuật...


Đó là trường hợp 2 bé trai tên: Phạm Thành N. (sinh ngày 20/7/2015, ngụ tại xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) và bé Tô Gia M. (sinh ngày 12/8/2015, ngụ tỉnh Cà Mau). Các bé trên đều được phát hiện có khối bướu vùng cổ sau khi sinh. “Bướu tân dịch”, “ u nang bạch mạch” hay còn có tên nữa là : “U nang bạch huyết” là tên gọi về bệnh lý của 2 bệnh nhi trên, thuộc bệnh lý dị tật bẩm sinh.

Th.S-BS Đào Trung Hiếu, Phó GĐ BV Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết, kết quả chụp X-quang và CT cho thấy khối bướu trên cơ thể bé Phạm Thành Nam là bướu tân dịch. Diện tích khối bướu khá lớn, choán hết hai hàm và lan xuống vùng cổ 2 bên, lan xuống lưỡi, bên trong có xuất huyết. Ngoài ra, bé này còn bị bệnh viêm phổi gây suy hô hấp, đang phải thở máy. Trường hợp bé Tô Gia M. cũng được chẩn đoán mang khối “bướu tân dịch” bên phải cổ khá lớn, đường kính khoảng 7 cm.

Trường hợp 2 bé trên được chọn phương pháp không phẫu thuật, mà dùng thuốc tiêm làm xơ hóa khối bướu, dần làm xẹp và tan khối bướu, và không tái phát.

Hai bé trai đang được chăm sóc tại khoa Nhi sơ sinh bệnh viện trước khi được điều trị bằng phương pháp chích thuốc, không cần phẫu thuật.

Do khối bướu của 2 bé cho thấy đều nằm ở vị trí “hóc, hiểm”, nếu phẫu thuật bóc tách bình thường thì sẽ có nguy cơ gây tổn thương tới các cơ quan bên trong, nhất là những mô, xương dây thần kinh xung quanh.

Như bé Phạm Thành N., có khối bướu ở vị trí lấn ra phía trước và cả sau, ảnh hưởng tới cả vùng động mạch cảnh là bó mạch “sinh tử” của con người và cũng choán ngay vùng dây thần kinh số 7 đi qua. Nếu phẫu thuật sẽ gây tổn thương đứt dây thần kinh số 7, em bé sẽ bị liệt mặt hay méo miệng…

Chưa kể khối bướu này lấn qua vùng sàng miệng, tiến hành phẫu thuật sẽ làm em bé chảy nước miếng sau phẫu thuật và sẽ không ăn được bằng đường miệng bình thường nữa mà phải ăn bằng đường dạ dày thì sẽ gay go hơn.

Cũng theo Th.S- BS Hiếu, phải có kế hoạch “lấy trọn” khối bướu, vì nếu để tái phát lại thường “dữ dội” hơn khi nó còn “nguyên thủy” chưa được xử lý.

Được biết, mỗi năm BV Nhi đồng 1 tiếp nhận chừng khoảng 30-40 ca bướu ở trẻ sơ sinh và cả trẻ Nhũ nhi. Đa số đều được chẩn đoán kỹ càng nên các ca phẫu thuật thường thành công.

Bướu có thể có nguyên nhân bẩm sinh hay mắc phải do nhiễm trùng. Có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Nhưng thường gặp nhất là ở vùng cổ và mặt. Siêu âm tầm soát trước sinh có thể phát hiện ra bệnh này cho bà mẹ sinh thường hay sinh mổ. Nếu phát hiện thai nhi bị dị tật này thì cần thì tư vấn cho người mẹ nên sinh ở BV nào, bằng phương pháp nào cho phù hợp. Nếu sinh thường sẽ thường sinh khó, nếu cố gắng đưa thai nhi ra khỏi cơ thể người mẹ cũng có nguy cơ dễ gây vỡ khối bướu, nguy hiểm cho cả mẹ và con. Thống kê trên Thế giới trẻ mặc bệnh “bướu tân dịch” chiếm 4% trong các ca  bướu máu nói chung, 50% là phát hiện ở trẻ sơ sinh và 90% là phát hiện ở trẻ dưới 2 tuổi. Khoa Sơ sinh Nhi Đồng 1 hàng năm tiếp nhận, điều trị cho khoảng 10 ca bướu như trên bằng việc chích thuốc.
Huyền Nga
.
.
.