Làm gì để giảm tải ở các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh?

Thứ Hai, 18/11/2019, 08:10
Thời gian qua, nhiều người từ các tỉnh, thành đến TP Hồ Chí Minh khám chữa bệnh, do đó các bệnh viện (BV) luôn trong tình trạng quá tải.

Anh Đầy ở Bình Dương cho biết, anh đến BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh lúc 7h sáng bắt số và đợi đến tận 12h mới được khám. Do phải thử máu nên sáng anh nhịn ăn, đợi đến lúc được khám là mờ cả mắt. Còn chị Hoà ở quận Tân Phú đưa con đến BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh để test xem con có bị nhiễm virust HP. Đến BV lúc 7h bắt số và đợi đến 9h45 mới đến lượt khám, BS nói khi nào trẻ bị ói hoặc đi cầu ra máu… thì không khám và điều trị. “Nếu khi đến BV khám, có bộ phận tư vấn để chúng tôi biết khỏi mất công đợi, con tôi sáng không ăn uống gì, nó nhịn đói đến lúc khám BS vậy, vừa mất thời gian cho tôi vừa mất thời gian của những người khác”, chị Hoà nói.

Tại các BV, chúng tôi gặp nhiều trường hợp cha mẹ từ các tỉnh xa đưa con đến bệnh viện Nhi đồng khám khi thấy con bị ho, hắt hơi, sổ mũi… Có nghĩa là trẻ bị bệnh nhẹ có thể khám ở bệnh viện địa phương, nhưng cha mẹ lại phải cất công đưa con đi hàng trăm cây số đến TP Hồ Chí Minh để khám bệnh. Khoảng 6h sáng 14-11, chúng tôi có mặt tại BV Nhi đồng 1 (phường 10, quận 10), từ cổng BV vào đến các phòng khám thấy rất đông người đang đợi khám bệnh. Đi một vòng, sau đó chúng tôi đến khu khám theo yêu cầu, tại đây ai chưa có sổ  khám bệnh sẽ được một nhân viên ở đây phát cho tờ giấy ghi một số thông tin của bệnh nhân. Sau đó xếp hàng đợi đến lượt đóng tiền ứng trước 500 ngàn, nhân viên thu tiền in tờ giấy thông tin bệnh nhân dán vào sổ khám bệnh đưa lại để người đi khám lên phòng khám bệnh đợi theo số thứ tự.

Tôi hỏi thăm người phụ nữ khoảng 30 tuổi đang ẵm con trai trước phòng khám, được biết chị tên là Thuý ở tỉnh Lâm Đồng. Chị Thuý và con trai 2 tuổi đi từ nhà lúc đó là 12h đêm, sau hơn tiếng đồng hồ thì đến TP Hồ Chí Minh. Đến BV Nhi khoảng 6h sáng, bắt số thứ tự là 82. Đợi đến hơn 9h mới đến lượt khám, đứa con mệt nên liên tục khóc chị ẵm đi tới đi lui, tôi thấy hai mẹ con phờ phạc. Chị cho biết: “Biết là đi xa mệt nhưng con tôi đi khám ở bệnh viện tỉnh, rồi bác sĩ tư nhưng uống thuốc mãi không hết bệnh nên đưa xuống đây khám cho yên tâm”. Đến lượt vào khám, tôi bấm đồng hồ thấy con chị được BS khám hơn 3 phút. Ra khỏi phòng khám, chị Thuý cho biết BS nói bé bị viêm amidan nên bị sốt, còn khi khám ở quê thì BS nói vị viêm họng.

Từ sáng sớm đã có nhiều người đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám bệnh.

Khoảng 6h30 sáng 15-11, chúng tôi có mặt tại BV Nhi đồng 2 (phường Bến Nghé, quận 1) cũng thấy rất đông người đang xếp hai hàng dài ở khu vực khám bệnh. Tôi gặp một phụ nữ cũng gần 30 tuổi đưa con gái 1 tuổi rưỡi đến khám. Chị cho biết tên là Dung quê ở Bình Thuận, chị và con gái đi từ lúc 12h đêm, sau 5h đồng hồ thì đến BX Miền Đông. Con chị khi khám ở quê BS nói bé bị vàng da, nhưng khi khám ở BV Nhi đồng 2 thì BS nói không bị vàng da. BS khám cho bé, tôi bấm đồng hồ thời gian khám và tư vấn cho mẹ của bé cũng hơn 3 phút. Bé không bị bệnh gì, BS cho thuốc dinh dưỡng để bé uống.

Vợ chồng anh Hùng ở Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đưa con gái hơn 2 tuổi đến BV Nhi đồng 2 khám bệnh. Anh Hùng tặc lưỡi nói: “BS ở chỗ tôi khám dở nên nhiều người không khám ở đó mà vào đây khám cho chắc ăn. Nhà xe biết mình đưa con đi khám bệnh thì họ lấy tiền xe 100 ngàn một người, trẻ em không tính tiền mà vẫn được ngồi một ghế. Đến bến xe có xe máy đưa đến tận BV, khám xong điện cho họ qua đón mình về chỗ xe đậu rồi về. Đến đây khám dịch vụ hết 150 ngàn, chưa tính tiền mua thuốc, BS ở đây giỏi rồi máy móc hiện đại, nên đến đây khám yên tâm hơn”.

Mặc dù ngành Y tế đã có nhiều cố gắng trong việc giảm tải ở các bệnh viện, nhưng đối với các BV ở TP Hồ Chí Minh vẫn luôn trong tình trạng quá tải.

Theo ngành Y tế TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày trẻ đến khám bệnh tại 2 BV Nhi đồng 1 và 2 trung bình vào 4.000-5.000 lượt. Vào thời điểm từ đầu tháng 10-2019 tới nay, nhất là mấy ngày gần đây do ảnh hưởng của thời tiết giao mùa, nhất là việc không khí ô nhiễm, tại 2 BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 có số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh hô hấp tăng nhiều. Thống kê từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho thấy tình hình bệnh lý đường hô hấp gia tăng. 

Trong tháng 8 và tháng 9, BV này tiếp nhận gần 180.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh về đường hô hấp, bệnh hen suyễn. Trong tháng 9, BV này tiếp nhận khoảng 9.000 bệnh nhân đến nhập viện điều trị. Mỗi ngày, khoảng 280-300 lượt bệnh nhi nhập viện, đa số mắc các bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn có một số ca diễn tiến bệnh nặng. Các BS cho biết, vào tháng 9, 10 và tháng 11 cũng là thời gian đỉnh điểm của nhiều loại bệnh hô hấp. Tuy nhiên, năm nay, số bệnh nhân đến khám bệnh và nhập viện điều trị nội trú tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Ngành Y tế từng phát triển BS gia đình, nâng cao chất lượng trạm y tế và BV cơ sở nhưng đến nay kết quả vẫn chưa khả quan, nên người dân vẫn phải đến những thành phố lớn để khám chữa bệnh. Thiết nghĩ, các chương trình đầu tư cho bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ gia đình phải được đẩy mạnh, theo lộ trình phù hợp mới có thể tạo niềm tin cho bệnh nhân, giảm lượng người đổ về các thành phố lớn khám, chữa bệnh, vừa tốn kém, lại không thật hiệu quả về nhiều mặt.

Nguyễn Cảnh
.
.
.