“Kỳ tích” cứu sống người đàn ông bị rắn hổ mang cắn của Bệnh viện Chợ Rẫy

Thứ Ba, 15/09/2020, 08:32
Ngày 11/9, sau gần 1 tháng được các bác sỹ (BS) tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tận tình cứu sống, nam bệnh nhân tên P.V.T (38 tuổi, người bị rắn cắn ở Tây Ninh) đã được kết luận: Bệnh nhân đã qua nguy kịch, có thể trở về cuộc sống bình thường.


Chia sẻ với báo chí chiều 11/9 về quá trình cứu sống được bệnh nhân này, chính các BS cũng đã phải gọi đây là một “kỳ tích”. Bởi trong hàng ngàn ca bị rắn độc cắn được cấp cứu tại BV Chợ Rẫy hàng năm, bị nặng như nam bệnh nhân này là trường hợp thứ 2 được cứu sống tại Chợ Rẫy. Trước đó, vào ngày 19/8, anh P.V.T đem cả con rắn hổ mang (dài 2,5m, nặng gần 5 kg) cắn mình đến BV để cấp cứu gây xôn xao.

Bệnh nhân P.V.T đã được cứu sống ngoạn mục đang tiếp tục được chăm sóc tại Khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy.

Được biết, sau nhiều lần hội chẩn, điều trị, bệnh nhân đã được xử lý các vùng bị hoại tử: tầng sinh môn, vùng bìu, bẹn, ảnh hưởng lớn đến vùng vận động, khớp háng. Hiện, các vết thương đã điều trị khá ổn, bệnh nhân có thể ra viện được trong vài ngày tới.

Cũng theo BS Hùng, huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang chúa ở Việt Nam, BV Chợ Rẫy luôn có mặc dù thuốc rất hiếm khi sử dụng, nhưng BV vẫn luôn phải chuẩn bị để điều trị cho bệnh nhân, mặc dù nhiều lô thuốc quá date phải bỏ đi. Trong việc cứu sống bệnh nhân này, đã sử dụng 20 lọ huyết thanh, kho dược đã cạn huyết thanh, nên sẽ phải nhập thêm để điều trị cho những bệnh nhân kế tiếp.

Hành trình cứu sống bệnh nhân gian nan nhất là trong 2 ngày đầu khi nạn nhân được chuyển từ Tây Ninh lên. Có lúc, BS bi quan nghĩ rằng bệnh nhân không qua khỏi; bệnh nhân cũng đã nhiều lúc suy sụp, chỉ nghĩ tới cái chết, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả ê kíp và người bệnh đã chiến thắng “tử thần”.

Việc cứu sống thành công bệnh nhân còn nằm ở chỗ, các BS đã dự trù được các tình huống có liên quan đến người bệnh, để chủ động điều trị. Lượng nọc độc của rắn khi phóng vào cơ thể người gây tử vong nhanh. Vì vậy khi bị rắn hổ mang chúa cắn, tuỳ mức độ khác nhau, nhiều người từ khi bị rắn cắn đến khi tử vong chỉ tính bằng phút.

BS Trần Ngọc Dũng, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu kể: “Bệnh nhân P.V.T bị rắn độc cắn gây tổn thương, tấn công vào tim, tổn thương cơ tim cấp. Dù được chích huyết thanh rồi nhưng bệnh nhân vẫn rơi vào rối loạn rất phức tạp. Bệnh nhân được hỗ trợ đặt máy tạo nhịp tạm thời. Tuy nhiên trên đường vận chuyển nguy cơ cao, bác sĩ phải đặt máy tạo nhịp tại giường cấp cứu, duy trì được nhịp tim tăng cơ hội hỗ trợ điều trị khác”.

Cũng theo BS Nguyễn Lý Minh Duy, Khoa Hồi sức Cấp cứu, nhờ có sự phối hợp liên chuyên khoa, Ekip đã sử dụng huyết thanh “trung hòa nọc độc” nhưng nọc độc của rắn hổ chúa vô cùng dữ dội, phải chuyển bệnh nhân gấp từ Khoa Bệnh Nhiệt đới qua Khoa Hồi sức tích cực (ICU) để điều trị. Bệnh nhân được lọc máu để loại bớt độc tố, song song đó là các BS khoa Chấn thương chỉnh hình tiến hành cắt lọc vết thương nhiều lần, phối hợp kháng sinh liều cao. Nhưng, cơn “sinh tử” của bệnh nhân phải kể tới là vào lúc bệnh nhân nhập viện khoảng 16 giờ đến 20 giờ sau khi bị rắn cắn. Lúc này, diễn tiến bệnh nặng nhất. Để đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống, giữ được nhịp tim như hiện nay với bệnh nhân P.V.T là cả một hành trình vượt lên cái chết vô cùng gian nan và làm việc cật lực của các BS.

Ngày đầu tiên chuyển tới Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân nhiễm độc nặng, được thở máy, dùng huyết thanh kháng nọc, sau 6 giờ bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, tự thở. 12 tiếng sau, bệnh nhân cai được máy thở. Nhưng vừa cai máy thở, đột ngột bệnh nhân lại bị biến chứng nặng nề. Bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp đưa nhịp tim ổn định trở lại. 

Ngay sau đó 2 giờ, bệnh nhân lại mệt mỏi, lừ đừ. Lại hội chẩn với sự hỗ trợ tối đa cho người bệnh bằng phương pháp lọc máu liên tục, thay huyết tương và trong khoa Hồi sức tích cực (ICU) đã chuẩn bị sẵn sàng máy ECMO để chạy cho bệnh nhân. Chuyển bệnh nhân vào khoa ICU vào chiều thì đêm cùng ngày bệnh nhân rơi vào nguy kịch, sự sống mong manh. Bệnh nhân phải thở máy trở lại. 

Vào ngày thứ 2, bệnh nhân trong tình trạng nửa cơ thể đã bị bầm tím đen. Các BS thức trắng đêm bên bệnh nhân, ứng dụng máy tạo nhịp, lọc máu, cho bệnh nhân thở máy. “Sang ngày thứ 3 chúng tôi nghĩ khó có thể cứu bệnh nhân vì diễn tiến đã quá nặng. Ngày thứ 4, sự sống của bệnh nhân mới “le lói” trở lại”. 

BS Hùng kết luận: “Có thể nói, đây là một kỳ tích trong việc cứu chữa cho người bệnh bị rắn hổ mang chúa cắn nhờ sự chủ động của các bác sỹ cùng một quyết tâm cao cứu sống bằng được bệnh nhân”.

Tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân P.V.T là 482 triệu đồng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đã được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, gia đình đã nhận được gần 1 tỷ đồng. Khi chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (vợ bệnh nhân) nhận được nhiều tiền đã chủ động đề nghị nhà hảo tâm tặng lại cho bệnh nhân cùng cảnh ngộ 80 triệu. Hiện vợ chồng anh P.V.T được nhà hảo tâm tặng 2 thẻ BHYT.

H.Nga
.
.
.