Không nên dễ dãi về điều kiện cơ sở y tế thực hiện chuyển giới

Thứ Tư, 17/05/2017, 09:56
Một trong những nội dung của Dự Luật về chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế chuẩn bị xây dựng, nhằm tạo sự công bằng cho những người mong muốn được sống đúng với giới tính của mình, là quy định điều kiện cho các cơ sở y tế được phẫu thuật chuyển giới. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam có khoảng 300.000 người có nhu cầu chuyển giới.

Có nhiều hình thức khác nhau để được công nhận là người chuyển giới, như chỉ cần có thời gian sử dụng hoocmon hoặc chỉ cần thực hiện phẫu thuật chuyển đổi một phần (ngực, hoặc bộ phận sinh dục) hoặc đã phẫu thuật toàn bộ (ngực và cơ quan sinh dục) là được công nhận chuyển đổi giới tính. Do vậy, tương ứng với mỗi hình thức thì lại có các loại hình cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) khác nhau.

Hiện đang có rất nhiều cơ sở được cho phép phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí nhiều cơ sở chưa được phép vẫn thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Do đó, các chuyên gia cùng nhiều người chuyển giới đều cho rằng, cần quy định cụ thể cơ sở nào được phép thực hiện phẫu thuật chuyển giới để tránh lạm dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người chuyển giới.

TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đưa ra một số giải pháp đề xuất. Theo đó, giải pháp 1 là các bệnh viện (BV) - cả BV công và BV tư - phải có đầy đủ các khoa: khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu, nội tiết, tâm thần mới được phép thực hiện điều trị hoocmon, phẫu thuật ngực và phẫu thuật bộ phận sinh dục cho người có nhu cầu chuyển giới.

Giải pháp 2 là các phòng khám đa khoa có khoa nội tiết; phòng khám chuyên khoa nội tiết và các BV đều được điều trị hoocmon cho người có nhu cầu chuyển giới; tất cả các phòng khám đa khoa có khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và các BV đều được phẫu thuật ngực cho người có nhu cầu chuyển giới; tất cả các BV có khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu, nội tiết, tâm thần được phẫu thuật bộ phận sinh dục cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, nếu thực hiện giải pháp 1 thì sẽ lựa chọn được các cơ sở KCB có chuyên môn, chất lượng tốt, phù hợp với hoạt động chuyển giới đầy đủ từ kiểm tra tâm lý, điều trị hoocmon đến phẫu thuật tạo hình. Các cơ sở lớn, có quy trình KCB đầy đủ nên việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe, tính mạng của người chuyển giới được bảo đảm. Ngoài ra, sẽ thuận lợi cho công tác quản lý trong bối cảnh Việt Nam mới cho phép chuyển giới.

Tuy nhiên, điều kiện chặt chẽ sẽ khiến người có mong muốn chuyển giới ít cơ hội lựa chọn cơ sở KCB và sẽ mất nhiều thời gian, tiền bạc đi lại, hoặc phải chờ đợi lâu hơn do tình trạng quá tải của một số cơ sở được phép chuyển giới. Bên cạnh đó còn phát sinh thủ tục cấp phép.

Còn nếu lựa chọn giải pháp 2 thì người có mong muốn chuyển đổi giới tính sẽ dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận với cơ sở được phép thực hiện chuyển đổi giới tính hơn nên giảm được thời gian và chi phí đi lại. Nhưng những tác động tiêu cực trong việc lựa chọn giải pháp này cũng có thể xảy ra.

Đó là do cạnh tranh không lành mạnh và các cơ sở chạy theo lợi nhuận nên người chuyển giới có thể sẽ không trải qua đầy đủ các bước nghiêm ngặt để thực hiện chuyển giới: tư vấn tâm lý, thời gian sử dụng hoocmon v.v… Việc không được tư vấn, điều trị đầy đủ có thể làm cho người chuyển đổi giới tính bị mất cân bằng trong cuộc sống, chán nản, dẫn đến tự tử…

Ngoài ra, không phải cơ sở KCB nào cũng được trang bị đầy đủ trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực để thực hiện phẫu thuật ngực và bộ phận sinh dục, nên dễ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người có mong muốn chuyển giới.

Về các giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra để lấy ý kiến, Hoa khôi chuyển giới La Lam cho rằng cần mở rộng diện cơ sở KCB được can thiệp chuyển giới để người muốn chuyển giới dễ dàng tiếp cận với cơ sở được phép thực hiện chuyển giới, như thế sẽ giảm thời gian và chi phí. Không nên lo ngại việc đa dạng các cơ sở được can thiệp chuyển giới sẽ dẫn đến không đảm bảo chất lượng, vì cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam có sự liên kết chặt chẽ, sẽ thông tin cho nhau những cơ sở đảm bảo. Do đó, chất lượng sẽ là yếu tố cạnh tranh.

Từng chuyển giới thành công từ nam sang nữ tại Thái Lan, họa sĩ Ánh Phong (Nhà hát múa rối Thăng Long) ủng hộ giải pháp 1, vì cho rằng phẫu thuật can thiệp (ngực, hay cơ quan sinh dục) là một cuộc đại phẫu, liên quan đến tính mạng và sức khoẻ cả cuộc đời con người, nên phải quy định các cơ sở y tế đảm bảo các điều kiện về trang bị trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực mới được phẫu thuật chuyển giới.

Đồng quan điểm này, BS. Nguyễn Quang – Trung tâm Nam học (BV Việt Đức) cho rằng, về can thiệp bằng hoocmon (nội khoa) thì nhiều cơ sở y tế có thể làm được. Nhưng đây là “con dao hai lưỡi”, phải dùng có liều lượng phù hợp cho từng cá nhân nên phải được bác sĩ ở cơ sở uy tín chỉ định, chứ không thể dùng tuỳ tiện. Đặc biệt, với can thiệp ngoại khoa thì tuyệt đối không được phép dễ dãi, vì nó không chỉ là vấn đề hình thể, mà còn vấn đề chức năng.

“Chúng tôi từng phải “sửa chữa” nhiều trường hợp phẫu thuật ở những nơi không đảm bảo chất lượng dẫn đến bị hỏng. Làm mới đã khó, mà việc sửa sai lại khó hơn rất nhiều. Nhiều bạn phải sửa đi sửa lại vài lần, mà mỗi lần sửa là một lần không chỉ tốn kém, mà còn đau đớn cho các bạn. Do đó, dễ dãi trong quy định về điều kiện cơ sở y tế được chuyển giới thì người có nhu cầu chuyển giới càng thiệt thòi”, BS. Nguyễn Quang lưu ý.

Thanh Hằng
.
.
.