Sản phụ kiên cường hơn 1 tháng chống chọi với COVID-19 đã bình phục
- Thêm 37 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh không ghi nhận bệnh nhân
- Thượng úy Công an tử vong sau tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 do nhồi máu cơ tim
- Sáng 26/6, thêm 15 ca mới, Việt Nam có 15.115 người mắc COVID-19
Sau ca mổ cấp cứu bắt con nguy kịch vào ngày 21/5, người mẹ trẻ mắc COVID-19 đã được các bác sĩ tức tốc chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực để điều trị hồi sức, thở máy do diễn biến bệnh tăng nặng nhanh.
Ngày 26/6, chị L.T.K, 33 tuổi, trú tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên được xuất viện trở về đoàn tụ cùng gia đình sau hơn 1 tháng điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Chia sẻ trước giờ ra viện, chị xúc động cho biết: “Sau nhiều ngày cận kề cái chết, tôi tưởng mình không còn được gặp lại người thân. Giờ phút này tôi không biết nói gì ngoài cảm ơn đến các bác sĩ, đặc biệt BS Nguyễn Quốc Khánh đã mổ cho tôi được “mẹ tròn con vuông”. Giờ đây tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh”.
Sản phụ đã bình phục sau hơn 1 tháng điều trị. |
Nhắc tới con gái, chị K lại trào nước mắt vì vui mừng. “Hơn 1 tháng trước, con gái tôi được ông bà đón về quê, sức khỏe của cháu bình thường, không bị nhiễm COVID-19”, chị K kể.
Vợ chồng chị K cưới nhau 11 năm không có con. Sau nhiều ngày tháng chạy chữa, chị đã thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Niềm vui chuẩn bị đón con chào đời đã bị lo lắng bao vây khi chị là F1.
Ngày 4/5 chị được đưa đi cách ly tập trung, đến ngày 13/5 có kết quả xét nghiệm dương tính, khi đó thai nhi được 35 tuần tuổi. Chỉ vài ngày sau, chị sốt cao, tức ngực, khó thở nhiều, được chuyển từ Điện Biên đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào chiều 19/5.
Chị được các bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Sản khoa, Ngoại khoa hội chẩn và tiên lượng nguy kịch với cả mẹ và con do hô hấp cấp tính, tổn thương phổi nặng nề, phù 2 chi dưới nhiều, có nguy cơ tiền sản giật, rối loạn nặng nề về đông máu. Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh hết sức phức tạp, cần hội chẩn thêm chuyên khoa Huyết học để dùng thuốc chống đông máu phù hợp và, cần phối hợp tất cả các chuyên khoa để cố gắng cứu sống cả mẹ và con vì đây là trường hợp hiếm muộn rất éo le.
Sản phụ trước giờ xuất viện |
Sau 3 ngày điều trị tích cực, nhận thấy tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân nặng dần lên, nguy cơ suy thai do mẹ thiếu oxy, các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn chỉ định mổ cấp cứu lấy con vào ngày 21/5. Có 2 kíp bác sĩ, một kíp mổ lấy thai, một kíp bác sĩ hồi sức cấp cứu cho mẹ trong quá trình phẫu thuật. Bé gái nặng 2,6 kg chào đời trong niềm hân hoan của tập thể y bác sĩ.
Ngay sau mổ bắt con, người mẹ được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực để chăm sóc hô hấp chuyên sâu, thở máy với chế độ dành cho bệnh nhân suy hô hấp cấp tính. Tuy nhiên, chị đáp ứng kém, bệnh ngày một tiến triển nặng.
TS Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sau khi hội chẩn bệnh nhân đã quyết định cho chị thở máy kỹ thuật cao bảo vệ phổi, lọc máu hấp thụ cytokines, kiểm soát nguyên nhân toan chuyển hóa, duy trì an thần giảm đau để bệnh nhân thở theo máy hàm hạn chế tổn thương phổi, duy trì thuốc chống đông máu theo mục tiêu điều trị và theo dõi 24/24h.
Sau 8 ngày thở máy và 6 lần lọc máu liên tục, đến ngày 29/5, bệnh nhân chưa có dấu hiệu tốt lên, thậm chí chức năng phổi còn suy giảm nhiều, chỉ số chức năng phổi giảm nặng, ăn sữa qua sonde dạ dày không tiêu. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy qua mở khí quản, lọc máu thêm 3 lần nữa, sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm…
Sau 21 ngày thở máy liên tục và 9 lần lọc máu, kết hợp các biện pháp điều trị và chăm sóc tích cực chuyên sâu, bệnh nhân đã có những tiến triển tốt. Sau đó, được chuyển thở máy theo chế độ tự thở một phần. Đến ngày 13/6, bệnh nhân được bỏ máy thở thành công. Theo chia sẻ của các bác sĩ, sau 6 ngày sau bỏ được thở máy, bệnh nhân đã có những chuyển biến vượt trội, tỉnh táo hoàn toàn, ăn tiêu tốt, các điều dưỡng bắt đầu tập vận động tại giường…
Ngày 26/6, chị K xuất viện và được Sở Y tế tỉnh Điện Biên điều xe xuống đón. Chia sẻ về ca bệnh này, TS Vũ Đình Phú nói: Công tác điều trị đòi hỏi yêu cầu chuyên môn rất cao, sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa và của các lực lượng thầy thuốc. Toàn bộ thầy thuốc, đặc biệt là BS Trần Văn Kiên, người trực tiếp điều trị, luôn luôn sát sao, kiên trì, chủ động sáng tạo trong theo dõi, đánh giá và điều trị người bệnh.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cùng ra viện với chị K là một bệnh nhân nặng khác, 60 tuổi mắc bệnh nền, hồi phục tốt, được chuyển khỏi đơn vị ICU và cũng là ca bệnh nguy kịch thứ 17 tại Khoa Hồi sức tích cực bình phục.