Giám sát chặt và xử lý ổ dịch cúm A(H1N1) tại Lâm Đồng

Thứ Hai, 23/03/2015, 09:39
Ngày 22/3, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Viện Pasteur TP HCM đã có kết quả xét nghiệm khẳng định 16 trường hợp ở tại xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng nhiễm cúm A/H1N1, đồng thời, thông báo khẩn qua điện thoại cho Sở Y tế Lâm Đồng biết.

Kết quả điều tra ổ dịch cho thấy, nguồn lây đầu tiên từ một cháu gái 9 tuổi học lớp 4B, khởi phát ngày 14/3 với các triệu chứng sốt, ho, nhức đầu, sổ mũi, không có yếu tố tiếp xúc với gia cầm chết và tại khu dân cư nơi các cháu sinh sống hiện không có dịch cúm gia cầm. Sau đó, từ ngày 18/3 bắt đầu xuất hiện thêm các trường hợp mắc mới với các biểu hiện tương tự, trong đó chủ yếu là các học sinh của Trường Tiểu học Xuân Trường, ngoài ra có 7 trường hợp phát hiện tại cộng đồng thuộc xã Đạ Pal.

Chỉ từ ngày 14 đến 21/3 đã phát hiện tại xã Đạ Pal có 33 trường hợp sốt, ho, sổ mũi, nhưng tình trạng sức khỏe ổn định, không có biểu hiện nặng. Xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur TP HCM cho kết quả dương tính với chủng virus cúm A(H1N1), đây là chủng virus gây cúm đại dịch vào năm 2009 và nay đã lưu hành như các chủng virus cúm mùa khác. Như vậy, đây là một ổ dịch cúm mùa do chủng virus cúm A(H1N1).

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm: Hiện ngành Y tế đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giám sát và phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm mới tại Trường Tiểu học Xuân Thành, cũng như tại cộng đồng để cách ly, khám và điều trị kịp thời, các cháu học sinh có biểu hiện bệnh đều được cho nghỉ học tạm thời để cách ly, điều trị đến khi khỏi bệnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, dễ lây lan, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1) và cúm B gây nên. Bệnh có nhiều nhất vào mùa đông xuân.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.  Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.  Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Dạ Miên
.
.
.