Giảm hút thuốc lá thụ động ở các cơ sở y tế
- Hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản và rối loạn tình dục
- Hút thuốc lá, phá hủy đường hô hấp, rước bệnh ung thư
- Quy định xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng: Đừng để chỉ tồn tại trên giấy
Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam đang giảm rõ rệt, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu trong nam giới khu vực thành thị. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở bệnh viện, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng... Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kết quả hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá thời gian qua.
Để ghi nhận thực tế, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Đức, ngay lối vào khu khám bệnh có một tấm biển lớn đề: “Cấm hút thuốc lá”. Dòng chữ to, nổi bật tạo ngay ấn tượng cho bất kỳ ai đi vào khuôn viên này. Người vào khám hay người nhà bệnh nhân chỉ cần cầm điếu thuốc là ngay lập tức sẽ bị các bảo vệ của bệnh viện nhắc nhở. Thế nên, rất hiếm hoi có thể phát hiện hình ảnh hút thuốc ở bệnh viện này.
Ở nơi công cộng như bệnh viện, các tòa nhà lớn, trung tâm thương mại... quy định cấm hút thuốc đã thu được hiệu quả cao. |
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cũng vậy, ngay từ lúc bước chân vào cổng, người ta đã nhìn thấy tấm bảng treo trên cao với dòng chữ: “Bệnh viện không khói thuốc”. Khi nhìn thấy lời cảnh báo, người nghiện thuốc lá cũng sẽ ý thức hơn để không vi phạm nơi công cộng, đặc biệt là ở cơ sở y tế, trường học.
Anh Nguyễn Văn Hoàn ở Đông Anh, Hà Nội đưa người nhà đến bệnh viện điều trị tâm sự: “Tôi nghiện thuốc đã 20 năm nay, cũng muốn cai thuốc nhưng chưa được. Bình thường cứ một lúc tôi lại phải hút, nhưng khi vào bệnh viện, nhìn biển cấm hút thuốc, nếu hút lại bị nhắc nhở nên tôi cố gắng không sử dụng thuốc lá ở đây. Thực tế vào bệnh viện mới thấy mình không nên tiếp tục hút thuốc, thói quen hút thuốc không chỉ làm sức khỏe của tôi giảm sút mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác. Tôi sẽ quyết tâm bỏ thuốc lá”.
Cũng giống anh Hoàn, ông Phạm Hiếu Nghĩa ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên trong lúc sốt ruột chờ vợ khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức đã bỏ thuốc ra hút. Vừa đưa được điếu thuốc lên châm thì ông bị bảo vệ bệnh viện nhắc nhở và chỉ cho ông thấy quy định cấm hút thuốc lá trong bệnh viện. Ông Nghĩa cảm thấy xấu hổ khi mọi người xung quanh bỗng đổ dồn ánh mắt về mình nên dụi vội điếu thuốc.
Những cách tuyên truyền như tại các bệnh viện hiện nay đã có tác dụng tích cực rèn thói quen cho người nghiện thuốc lá giữ môi trường trong sạch ở nơi công cộng. Đó vừa là ý thức của người sử dụng thuốc lá và cũng là chấp hành quy định của pháp luật. Không chỉ ở bệnh viện, trường học mà ở nhiều nơi công cộng như nhà ga, bến xe, trung tâm thương mại… việc tuyên truyền xây dựng môi trường không khói thuốc đã thu được kết quả bước đầu.
Theo số liệu do Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cung cấp, điều tra toàn cầu năm 2014 về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014 và đến năm 2017 con số này còn xuống thấp hơn nữa. Đồng thời, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cũng giảm từ 66,5% xuống 47,7%.
Kết quả điều tra về sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ công bố năm 2016 cũng cho thấy so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%), trong đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới khu vực thành thị giảm 6,5%.
Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, tại nhà hàng giảm 4,2%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%, hút thuốc thụ động tại cơ sở chăm sóc y tế giảm 5,2%.
Những con số trên cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc và nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng đang có những chuyển biến tích cực. Đây cũng là những chỉ số quan trọng góp phần đảm bảo hiệu quả bền vững của các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới ở nước ta.
Với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để triển khai toàn diện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, hỗ trợ những người cai thuốc bỏ thuốc, ngăn ngừa thanh thiếu niên không hút thuốc, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khoẻ cộng đồng.
Điều 11 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn: 1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: a) Cơ sở y tế; b) Cơ sở giáo dục trừ các cơ sở giáo dục quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. 2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: a) Nơi làm việc; b) Trường cao đẳng, đại học, học viện; c) Địa điểm công cộng trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 Luật này. 3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm: a) Ôtô; b) Tàu bay; c) Tàu điện. |