Già hóa dân số nhanh, cần có chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
- Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số tăng nhanh
- Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng
- Nỗi lo tăng nhanh tình trạng già hóa dân số
Đây là phát biểu của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế tại Hội thảo Già hóa dân số và Sức khỏe người cao tuổi do Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA- Nhật Bản) và Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD-Việt Nam) tổ chức ngày 12/12.
Theo bà Lan, từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Đó là, Việt Nam đang ở giai đoạn già hóa dân số với tỷ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng. Điều này đã đặt ra những thách thức lớn cho Việt nam trong việc thích ứng với già hóa dân số trong đó có bao gồm việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, theo bà Lan thời gian qua, Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong việc chăm sóc phát huy vai trò của người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa, trong đó điển hình là mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng đưa ra giải pháp cho việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khi dân số Việt Nam đang già hóa nhanh. TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, cán bộ chương trình, Quỹ Dân số Liêp hợp quốc (UNFPA) cho biết, nghiên cứu ở 4.000 người tại 12 tỉnh của Việt Nam cho thấy, 70% người cao tuổi có ít nhất 2 bệnh. Trung bình mỗi người cao tuổi có 2,7 bệnh; 14% người cao tuổi gặp khó khăn trong các hoạt động sống hàng ngày và cần hỗ trợ.
Số người cao tuổi gặp ít nhất 1 loại khó khăn trong sinh hoạt hành ngày tăng từ 28% ở người 60- 69 tuổi lên hơn 50% ở người 80 tuổi. Đặc biệt, gần 50% người cao tuổi không có thẻ BHYT.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, nếu năm 2011 chỉ khoảng 1,5 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ trong các hoạt động sống hàng ngày thì tới năm 2019 số lượng đã lên tới 4 triệu người. Dự báo đến năm 2049, có khoảng 10 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ trong các hoạt động sống hàng ngày.
Vì vậy, ông Quỳnh nêu ý kiến, Việt Nam cần có chiến lược sức khỏe và thúc đẩy già hóa khỏe mạnh trong suốt vòng đời, nhấn mạnh vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc phòng ngừa. Đồng thời phối hợp chăm sóc y tế và chăm sóc phi y tế (chăm sóc xã hội).
Đồng thời cần xây dựng chính sách, kế hoạch về dịch vụ và phân bổ ngân sách theo các cấp và các ngành để đảm bảo người cao tuổi tiếp cận được dịch vụ phù hợp.
Để công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi đạt hiệu quả cao nhất, thích ứng với già hóa dân số, theo TS. Vũ Công Nguyên, Phó viện trưởng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, nước ta cần tích cực xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi để hỗ trợ đáp ứng những nhu cầu của người cao tuổi nhằm đạt mục tiêu sống khỏe mạnh, tham gia các hoạt động, an sinh xã hội
Để xây dựng được môi trường thân thiện với người cao tuổi, theo TS. Nguyên, các cơ quan liên quan cần phát huy vai trò của gia đình trong chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi, vai trò của cộng đồng với việc tuyên truyền hỗ trợ nguồn lực; các doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi.
Nhà nước cần phát huy vai trò trong việc ban hành các chính sách, pháp luật và bố trí nguồn lực. Bản thân người cao tuổi khi phấn đấu để tự đảm bảo về chi phí cho cuộc sống của mình, nêu cao tinh thần tự phục vụ.