Dùng thuốc của thầy lang vườn dẫn đến suy thận, suy hô hấp

Chủ Nhật, 03/11/2019, 07:50
Câu chuyện cháu bé 3 tháng tuổi phải vật lộn giành giật sự sống trong 24 ngày qua ở Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ sau khi được gia đình cho sử dụng thuốc nam của thầy lang để chữa tiêu chảy đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng “tự ý” sử dụng thuốc hiện nay.


Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương, có tới 44% các gia đình tự ý mua thuốc điều trị khi con ốm. Tự mua thuốc điều trị, đặc biệt là thuốc nam rất có thể sẽ gây ra ngộ độc thuốc, dẫn tới suy thận, suy gan, suy hô hấp, có trường hợp đã tử vong.

Bé 3 tháng tuổi suy hô hấp do ngộ độc thuốc

Ngày 30-10, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ công bố trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi sau khi được gia đình tự ý cho uống và đắp thuốc nam chữa tiêu chảy, đã bị viêm phổi, suy hô hấp nặng, nhiễm trùng, vàng da ứ mật, thiếu máu. Cháu bé được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc - Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, ý thức lơ mơ, da vàng xạm toàn thân, tiểu màu đỏ sậm, bụng chướng, gan to. Lúc này, cha mẹ cháu bé đều hốt hoảng và bật khóc kể lại sự việc.

Cháu bé sinh thường, nặng 3,5kg, lúc sinh ra chưa được xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các bệnh lý bẩm sinh. Sau sinh thỉnh thoảng cháu bị tiêu chảy, phân có bọt và đỏ xung quanh hậu môn, gia đình đã cho trẻ uống và đắp thuốc nam. Trước khi vào viện 3 ngày cháu ho, sốt, ho có đờm, khó thở khò khè. Gia đình chưa đi khám ở các cơ sở y tế mà đã dùng thuốc nam của thầy lang nấu cho mẹ và con uống, nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng, bị khó thở, tím tái toàn thân.

Các bác sĩ đã cố gắng giành giật sự sống cho cháu bé 3 tháng tuổi bị ngộ độc thuốc nam.

Nỗi ân hận khiến gia đình cháu bé chỉ biết cầu nguyện cho con qua khỏi. Nhưng do cháu bị ngộ độc thuốc nam quá nặng, nên việc cấp cứu và điều trị vô cùng khó khăn. Theo Ths.BS Cao Việt Hưng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản nhi cho biết, sau 6 giờ hồi sức tích cực, tình trạng trẻ vẫn rất nguy kịch và có xu hướng nặng dần lên, đặc biệt không đáp ứng với thuốc vận mạch.

Bệnh nhi đi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn – ARSD – suy đa tạng, vô niệu do nhiễm khuẩn nặng kết hợp với ngộ độc thuốc nam. Các bác sĩ phải tiến hành siêu lọc máu liên tục để nhằm loại bỏ các độc tố, các chất trung gian gây viêm, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, cân bằng nước và điện giải, duy trì các biện hồi sức tuần hoàn và hô hấp.

Sau 74h siêu lọc máu và hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhi mới được cải thiện rõ rệt. Sau 6 ngày, các bác sĩ đã giành giật sự sống cho cháu từ tay “tử thần”. Trải qua 24 ngày cấp cứu và điều trị, các chức năng sống của cháu bé đã hồi phục và được ra viện.

Theo Ths.BS Cao Việt Hưng, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện, rất dễ mắc bệnh và tiến triển rất nhanh thành tình trạng nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Gia đình tuyệt đối không được chủ quan tự ý mua và dùng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc nam không rõ thành phần, nguồn gốc và những mẹo dân gian được truyền miệng vì có thể gây suy gan, suy thận cho trẻ và có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.

Trả giá bằng tự mua thuốc về điều trị

Khi bị ốm, tự mua thuốc về điều trị đã trở thành thói quen của nhiều người. Ở các nhà thuốc, tình trạng bán thuốc không theo đơn diễn ra phổ biến. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, chúng tôi gặp bệnh nhân Nguyễn Văn Nam (60 tuổi, Hà Nội) tự dùng thuốc điều trị viêm xoang, dẫn tới suy thận độ 4.

Theo bệnh nhân Nam, ông bị viêm xoang từ hồi thanh niên, bệnh không chữa khỏi mà ngày càng nặng và trở thành bệnh mãn tính. Ông đã điều trị bằng thuốc Tây thời gian dài nhưng không khỏi. Hơn 1 năm trước, có người mách cho ông bài thuốc nam chữa viêm xoang, ông đã tìm thầy lang để bốc thuốc. Giá mỗi thang thuốc hơn 1 triệu đồng, nhưng uống khoảng 3 tháng, ông sụt 5kg, da sạm.

Tuy nhiên vì tin tưởng bài thuốc bí truyền, ông tiếp tục uống. Tới khi thấy người mỏi mệt, suy kiệt, đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán ông bị suy thận độ 4 do tự sử dụng thuốc. Giờ đây, tiền điều trị thuốc suy thận ngoài bảo hiểm của ông hết 15 triệu/tháng nên ông vô cùng ân hận về việc tự điều trị bệnh của mình.

Có nhiều người quan niệm sử dụng thuốc Đông y (thuốc nam, thuốc bắc) là an toàn và tốt cho sức khỏe, điều này đúng, song chưa đủ. Thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng và ngộ độc thuốc đông y ngày một gia tăng trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Bệnh nhân hay đi bốc thuốc để chữa trị các bệnh: Gan mật, thận tiết niệu, cơ xương khớp, ung thư… thậm chí nhiều bệnh thông thường như viêm dạ dày, dị ứng... và có khi bốc thuốc để… dưỡng thai.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân gặp các hình thái ngộ độc do lạm dụng thuốc đông y. Chủ yếu là người dân mách nhau sử dụng hoặc đi bốc thuốc từ các “ông lang vườn”. Theo Ths.BS Lý Thị Thơ, Trưởng khoa Nội Thận khớp, kiêm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, gần như tất cả các bệnh nhân suy thận phải chạy thận lọc máu cũng đều có thời gian dùng thuốc Nam kéo dài.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân Đặng Văn N. (31 tuổi, Hùng Đức, huyện Hàm Yên), đã được điều trị tại khoa Nội thận khớp. Trước đó, anh N. được chẩn đoán suy thận độ 2 tại Bệnh viện Hàm Yên, bác sỹ tư vấn nhưng anh không điều trị tại bệnh viện, tự bốc thuốc Nam vì “thầy” bảo: “thuốc của “thầy” chữa được suy thận độ 8 chứ độ 2 đã là cái gì!”. Sau 4 tháng anh mệt mỏi nhiều, khám tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, bác sỹ chẩn đoán anh đã bị suy thận sang giai đoạn cuối (độ 4), phải chạy thận cấp cứu vì thận không lọc được chất độc trong máu.

Theo các bác sĩ, sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng như bị nấm mốc còn dễ gây ung thư. Hiện nay, nguồn dược liệu trong nước giảm, tỷ lệ thuốc nhập từ Trung Quốc về luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường… Do đó, khi người bệnh muốn sử dụng thuốc đông y, nên đến khám thầy thuốc chuyên khoa y học dân tộc được đào tạo bài bản, nguồn gốc thuốc rõ ràng, chất lượng thuốc đảm bảo về màu sắc, thành phần, theo các bài thuốc gia giảm phù hợp.

Đặc biệt, với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay việc khám bệnh kết hợp nhiều chuyên khoa sâu, chuyên ngành sâu, từ khám lâm sàng tỷ mỷ đến xét nghiệm hiện đại và thăm dò chức năng kỹ lưỡng để chẩn đoán, chứ không thể dựa vào việc “bắt mạch ra bách bệnh” của các “ông lang vườn” như quảng cáo. Do vậy, người dân cần đến cơ sở y tế để thăm khám, để được chẩn đoán, tư vấn, điều trị chính xác, không nên nghe những người không có chuyên môn để “tiền mất, tật mang”.

Trần Hằng
.
.
.