Đình chỉ phòng khám tư có nữ công nhân tử vong vì truyền đạm

Thứ Hai, 08/04/2019, 15:33
Ngày 8-4, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động của Phòng khám tư nhân Kết Châu (481 đường Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do tối 7-4 một bệnh nhân nữ tử vong do truyền dịch tại đây.

Vụ việc đang được Công an quận Thanh Xuân phối hợp với Sở Y tế Hà Nội điều tra, làm rõ.

Trước đó, khoảng 18h 30 ngày 7-4, nữ công nhân công ty may trên địa bàn quận Thanh Xuân Phạm Thị Hòa (quê ở xã Phú Thường, huyện Phú Vãn, Thừa Thiên – Huế), hiện tạm trú tại phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) do bị mệt, tụt huyết áp được bạn cùng công ty đưa tới Phòng khám Kết Châu.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị Hòa bị suy nhược cơ thể, tụt huyết áp và được chỉ định truyền dịch. Sau khi truyền một chai muối, nhân viên phòng khám tiếp tục truyền thêm chai Alvesin 40. Khoảng 10 phút sau, bệnh nhân có biểu hiện ngứa, bác sĩ rút kim truyền đạm và tiếp tục truyền nước. Nhưng bệnh nhân nhanh chóng có biểu hiện sốc phản vệ, bác sĩ phòng khám tích cực cấp cứu, song bệnh nhân tử vong trước khi xe cấp cứu 115 tới.  

Người dân khi truyền dịch phải đến bệnh viện, cơ sở y tế được cấp phép

Sự việc ngay sau đó được báo lên Trạm Y tế phường Khương Đình và Phòng Y tế quận Thanh Xuân. Công an quận Thanh Xuân ngay tối qua đã đến hiện trường tiến hành các thủ tục khám nghiệm, niêm phong phòng khám để điều tra nguyên nhân cái chết của bệnh nhân.

Theo Sở Y tế Hà Nội, Phòng khám Kết Châu được cấp giấy phép hoạt động từ năm 2015 về lĩnh vực chuyên khoa nội, siêu âm, đáp ứng đầy đủ giấy tờ thủ tục và các trang thiết bị cấp cứu. Bác sĩ truyền dịch cho bệnh nhân đã được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, phòng khám này không được thực hiện việc tiêm, truyền. Vì vậy, phòng khám truyền dịch cho người bệnh là vượt quá phạm vi hoạt động.

Việc tử vong do truyền dịch đã xảy ra nhiều, đặc biệt là truyền dịch tại phòng khám, truyền dịch tại nhà, khi xảy ra sự cố đã không đủ phương tiện và nhân lực cấp cứu. Đặc biệt các phòng khám này lại không được cấp phép truyền dịch, vô cùng nguy hiểm. Đối với sốc phản vệ, dù ở tại bệnh viện tuyến trên, việc cấp cứu cũng rất khó khăn.

Theo khuyến cáo của BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, người bệnh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà, phòng khám mà phải đến bệnh viện, cơ sở y tế được cấp phép, có đảm bảo về con người, về trang thiết bị để truyền dịch, nếu có sự cố xảy ra thì những cơ sở này mới có trang thiết bị và con người đủ trình độ để cấp cứu”.


Trần Hằng
.
.
.