Dịch COVID-19 tại Bắc Ninh có thể đẩy lùi trong 10 ngày tới

Thứ Bảy, 12/06/2021, 07:02
Việc 7 công nhân dương tính khi doanh nghiệp vừa hoạt động trở lại ở Bắc Ninh một lần nữa nhắc nhở công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhà máy tại Bắc Ninh vẫn còn chống dịch "trên giấy".


Tính đến trưa 11/6, Bắc Ninh có 1.240 ca mắc COVID-19. Là ổ dịch lớn thứ 2 của cả nước, Bắc Ninh đang triển khai nhiều giải pháp. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nếu Bắc Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự vào cuộc tích cực của người dân thì trong 10 ngày tới sẽ đẩy lùi được dịch. 

Doanh nghiệp vẫn để "kế hoạch trên giấy"

Ngay khi Bắc Ninh cho doanh nghiệp hoạt động trở lại đã phát hiện 7 công nhân dương tính tại Công ty TNHH AAC Technologies Việt Nam đóng trên KCN huyện Quế Võ. 

Theo ông Nguyễn Chí Hành, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, công nhân của Công ty TNHH AAC Technologies Việt Nam (khoảng 6.500 người) trước khi đi vào sản xuất vào ngày 2/6 đã được xét nghiệm COVID-19 hai lần vào ngày 30 và 1/6 và đều có kết quả âm tính.

 Ngày 3/6, Công ty tổ chức xét nghiệm cho 450 người lao động tại xưởng A và phát hiện và xác định được 7 trường hợp dương tính. Theo ông Hành, 7 ca dương tính là do ủ bệnh từ trước. Thời điểm thực hiện xét nghiệm, chưa có biểu hiện của bệnh nên cho kết quả xét nghiệm âm tính.

Cán bộ, nhân viên y tế của Bắc Ninh làm việc ngày đêm để đảm bảo công tác lấy mẫu xét nghiệm.

Để tránh những trường hợp doanh nghiệp đi vào hoạt động lại rồi xuất hiện ca dương tính trong nhà máy, ngành y tế Bắc Ninh đề nghị tăng cường xét nghiệm ít nhất 2 lần trong 7 ngày trước khi đưa công nhân vào nhà máy. Sau đó, tiến hành tầm soát ít nhất 20% số công nhân trong nhà máy lần nữa để kiểm tra kỹ đảm bảo sức khỏe của công nhân tốt nhất.

Theo ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh hiện có 16 KCN tập trung với trên 331.000 công nhân trong KCN, sản lượng công nghiệp của tỉnh đóng góp khoảng 1 triệu 300 nghìn tỷ đồng hàng năm, đứng thứ nhất toàn quốc. 

Tại buổi tập huấn trực tuyến phòng, chống dịch của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế cho 1.000 doanh nghiệp tại KCN và cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh Bắc Ninh vào ngày 11/6, bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, thông qua kiểm tra 10 cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài KCN tỉnh Bắc Ninh cho thấy, nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, chưa có phương án đáp ứng khi có nhiều người lao động mắc tại cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN và tổ chức diễn tập… dẫn đến địa phương còn lúng túng khi có ca bệnh.

Theo bà Lương Mai Anh, những tồn tại tại các cơ sở sản xuất kinh doanh như chưa thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, hoặc thiếu thành phần y tế, công đoàn; chưa xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, phương án xử lý khi có trường hợp mắc tại cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc xây dựng chưa đúng quy định; thông khí nhà xưởng chưa đảm bảo; chưa giám sát được lịch trình di chuyển của người lao động ở trọ...

Ông Đỗ Lê Thành Đạt, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm, CDC Bắc Ninh đã đưa ra hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 cho người sử dụng lao động, ban quản lý ký túc xá.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn để trình trạng "kế hoạch trên giấy", trên thực tế khi có ca COVID-19 vẫn lúng túng, chưa biết cách xử lý chưa kịp thời, chưa bố trí khu cách ly tập trung tạm thời. Cá biệt vẫn còn tình trạng khi công nhân có biểu hiện, sốt, ho… không đưa người lao động vào khu cách ly tạm thời để điều tra dịch tễ mà cho công nhân về khu nhà trọ dẫn đến công tác truy vết gặp nhiều khó khăn…

Tăng cường xét nghiệm để sớm đẩy lùi dịch

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua rà soát và đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại Bắc Ninh, đoàn công tác của Bộ Y tế đã thống nhất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh về việc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 theo từng nhóm đối tượng.

Cụ thể, 3 nhóm đối tượng được phân chia gồm những người dân ở các khu vực, thôn, xã, huyện ghi nhận trường hợp F0 cuối cùng cách thời điểm hiện tại 7 ngày, từ 8 đến 14 ngày và trên 14 ngày. Sau khi giải pháp này được thực hiện, Bắc Ninh đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, đáp ứng mục tiêu giải phóng phong tỏa của từng khu vực, địa bàn hành chính theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại các KCN, khi doanh nghiệp hoạt động trở lại tiến hành theo phương án 50% công nhân đi làm, 50% công nhân ở lại nơi lưu trú, sau đó 2 nhóm này sẽ luân chuyển. Để đảm bảo an toàn, tất cả công nhân trước khi đi làm đều được xét nghiệm sàng lọc 2 lần trong 72 giờ, khi đi làm cứ 7 ngày xét nghiệm một lần. Phương án này nhằm đảm bảo an toàn cho nhà máy khi đưa công nhân vào hoạt động.

Còn nhà máy chưa đi vào hoạt động, khuyến cáo của Bộ phận thường trực với Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh là phải xét nghiệm cho 20% công nhân để phục vụ cho việc đi làm trở lại. Tỉnh cần có kế hoạch xét nghiệm hết sức cụ thể, tỉ mỉ, yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải được xét nghiệm, xét nghiệm của các đơn vị phải thu về một mối là CDC của tỉnh, kết quả của từng nhà máy đều được cập nhật ngay tại CDC, biện pháp này góp phần đảm bảo an toàn cho nhà máy khi đi vào hoạt động.

Hiện nay, năng lực xét nghiệm của tỉnh Bắc Ninh đạt khoảng 11.000 mẫu/ngày nếu thực hiện theo phương pháp dùng mẫu đơn. Nếu gộp mẫu, con số này là khoảng 110.000 mẫu ngày. Tuy nhiên, tỉnh vẫn cần điều chỉnh phương án xét nghiệm sàng lọc tại các khu dân cư, lấy mẫu xét nghiệm theo từng nhóm đối tượng trên địa bàn dựa trên thời gian xuất hiện F0 gần nhất.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo đánh giá của Bộ Y tế, qua phân tích tình hình thực tế, dịch COVID-19 tại Bắc Ninh vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Với sự nỗ lực của Bộ phận thường trực, Ban Chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của người dân, với những giải pháp động bộ đã và đang thực hiện, nhận định chung đợt dịch thứ 4 của Bắc Ninh trong 10 ngày tới sẽ được đẩy lùi.

Trần Hằng
.
.
.