Đà Nẵng đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, truy vết dập dịch

Thứ Hai, 10/08/2020, 16:35
Việc tổ chức đưa người dân trong khu vực nguy cơ đến điểm tập trung, sắp xếp và tiến hành lấy mẫu một cách nhanh chóng theo phương pháp lấy mẫu nhóm (5 người/nhóm gộp) đang giúp Đà Nẵng cải thiện rất tốt về tốc độ lấy mẫu. Qua đó, góp phần giúp thành phố ngăn ngừa được dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ngày 10/8, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ đã thị sát quy trình kỹ thuật lấy mẫu tập trung tại cộng đồng (phường Bình Thuận, quận Hải Châu), đặc biệt là việc lấy mẫu gộp nhóm; đồng thời, trực tiếp vào khu xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố để xem toàn bộ quy trình xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm.

 
Khu vực tiếp nhận mẫu tại CDC Đà Nẵng

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, về máy móc thiết bị, Đà Nẵng cơ bản đáp ứng như các máy xét nghiệm theo phương pháp PCR có tới hơn chục chiếc. Các lực lượng để xét nghiệm có đến hàng trăm người, ngoài CDC còn có lực lượng y tế của các ngành các cấp, các cơ quan đơn vị và những tình nguyện viên có chuyên môn. Được biết, bình quân mỗi người lấy theo phương pháp là kháng nguyên (dịch hầu họng, mũi) thì chỉ mất 1 phút/ người kèm theo phương pháp lấy mẫu nhóm (5 người ghép vào 1 nhóm) thì Đà Nẵng giảm thiểu đáng kể được tốc độ lấy mẫu. 

Với tốc độ đó, nếu không có trục trặc gì trong quá trình lấy mẫu cũng như đưa vào xét nghiệm thì mỗi ngày như vậy có thể lấy được 5.000 – 7.000 mẫu tất cả, như vậy có thể mở rộng diện nghi ngờ để xét nghiệm và “ngăn chặn từ đầu”, chúng ta sẽ có thể chạy nhanh hơn sự lây lan của dịch về phương diện xét nghiệm”, ông Thơ cho biết.

Tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho hay, trong quá trình xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị, dập dịch, đơn vị gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như: Việc lấy mẫu nhanh nhưng vận chuyển đến CDC Đà Nẵng còn chậm. CDC có những thời điểm không có mẫu để làm, nhưng có thời điểm dồn ứ mẫu lại (thường ban đêm đến sáng). 

Thông tin người xét nghiệm bị sai lệch dẫn đến kéo dài thời gian truy vết. Một số người dân có tình trạng sau khi lấy mẫu xét nghiệm chưa có kết quả cứ đi lại nhiều nơi, đến khi có kết quả dương tính, các đơn vị phải tốn kém khoảng thời gian đi tìm, khoanh vùng. Để tìm kháng nguyên, những ngày gần đây, CDC Đà Nẵng phối hợp đơn vị liên quan tiến hành lấy mẫu diện rộng tại cộng đồng, nơi có độ lây nhiễm nguy cơ cao. 

Điển hình tại cộng đồng dân cư Ngũ Hành Sơn, đơn vị lấy 900 mẫu người dân địa phương, 750 mẫu người nước ngoài số. Kết quả, lấy tự do hơn 30.000 mẫu thì có 1-2 ca dương tính. Tức là trong cộng đồng vẫn có nhưng rất ít vì vậy lực lượng chức năng sẽ tiếp tục siết chặt lại vấn đề cách ly. Đặc biết, về vấn đề đi chợ tại khu dân cư, ông Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận, thành phố đã nghĩ đến biện pháp giãn cách bằng hình thức quản lý người dân đi chợ 2 – 3 ngày/lần.


Việc khoanh vùng, điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp F0, F1 được xiết chặt để sớm dập dịch, ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.  

 Chính quyền TP Đà Nẵng sẽ siết chặt việc đi lại của người dân, người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. “Từ những số liệu cung cấp, trong những ngày tới, nếu tình hình khác đi thì chúng ta sẽ tiếp tục các biện pháp mạnh hơn nữa. Người dân cũng phải chấp hành thật tốt vấn đề cách ly và đồng thời phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nếu có diễn biến xấu có thể thực hiện phong tỏa”.  

Hoài Thu
.
.
.