Cô gái ghép gan đầu tiên của Việt Nam đã ra đi ở tuổi 25

Chủ Nhật, 29/11/2020, 14:29
Sau gần 17 năm thực hiện ca ghép gan từ người cho sống cùng huyết thống đầu tiên ở Việt Nam, cô gái Nguyễn Thị Diệp (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã ra đi vào rạng sáng nay 29/11 ở tuổi 25.

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, anh Nguyễn Quốc Phòng (bố của Diệp) đau buồn cho biết, Học viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 103 đang nỗ lực tìm nguồn gan để ghép cho Diệp lần 2, nhưng do Diệp bị xơ gan quá nặng, dẫn đến xuất huyết dạ dày và nhiều cơ quan nội tạng, nên đã không chờ được ca ghép này.

Nguyễn Thị Diệp khi còn trên giường bệnh điều trị xơ gan

Theo lời kể của anh Phòng, tuần trước Diệp từ viện về gia đình, sức khỏe tuy yếu nhưng em vẫn trò chuyện bình thường. Ngày 26/11, anh Phòng đưa Diệp trở lại Bệnh viện Quân y 103 để tiếp tục điều trị. “Khoảng 2h sáng hôm sau (27/11 - PV), con yếu ớt gọi “Bố ơi cứu con với”. Gan của con đã xơ quá nặng, không thải được độc tố nữa, dẫn đến xuất huyết dạ dày. Kể từ lúc đó, con lơ mơ, gần như không biết và nói được gì”.

Theo chia sẻ của anh Phòng, 5h sáng qua (28/11), Diệp được chuyển vào Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103. Các bác sĩ, chuyên gia đã nỗ lực cứu chữa Diệp, song do em bị xuất huyết nhiều cơ quan nội tạng, máu chảy không cầm, phải thở máy, bệnh tình diễn biến nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. “Hơn 21h đêm qua, gia đình đã xin cho con về. Đến 1h sáng nay, con đã ra đi”, anh Phòng đau đớn cho biết.

Kể từ khi phát hiện xơ gan và phải nghỉ làm tại Khoa Dược, Bệnh viện Quân Y 103 để điều trị, sau 1 năm kiên cường chống chọi với bệnh tật, cô gái ghép gan đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Diệp đã ra đi ở tuổi 25. 

Sinh thời, Diệp luôn lạc quan, vui vẻ

Trước đó, vào tháng 11/2019, Diệp bất ngờ ốm nặng. Khi ấy, cô gái vừa đi làm được 2 năm, tương lai mới bắt đầu thì biến cố về sức khỏe lại một lần nữa xảy ra. Tâm sự với tôi vào một ngày cuối tháng 10 vừa qua, Diệp nói: "Em thấy mệt, bụng chướng và đi ngoài nhiều. Lúc đầu tưởng do ăn uống khó tiêu nên chủ quan không thăm khám. Một thời gian sau thấy bụng chướng to, em thông báo cho bác sĩ (người theo dõi ca ghép tạng của Diệp – PV) và được chỉ định xét nghiệm ngay. Kết quả men gan tăng cao, có dịch trong ổ bụng. Các bác sĩ hội chẩn và đưa ra kết luận, em bị xơ gan".

Suốt 1 năm đối mặt với căn bệnh xơ gan, cô gái xinh xắn ngày nào mệt mỏi, yếu ớt nằm trên giường bệnh với nước da vàng sậm. Diệp sụt mất 8kg, đi lại phải có người dìu, ăn uống kém. 

Nguyễn Thị Diệp mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh, từ khi 3 tháng tuổi đã phải làm phẫu thuật nối đường mật với ruột. Sau phẫu thuật, em bị biến chứng dẫn tới xơ gan. Theo thời gian, lá gan đó xơ lại thành một cục nhỏ, sự sống chỉ còn tính bằng tháng. 

Gần 10 năm ròng rã chạy chữa cho con, tưởng chừng đã hết hy vọng thì vợ chồng anh Phòng nhận tin con gái được chọn để ghép gan. Anh Phòng hiến cho con 33% lá gan của mình. Ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam vào ngày 31/1/2004 đã rất thành công.

Diệp đã có những tháng năm hạnh phúc bên gia đình.

Sau ghép, sức khỏe của Diệp tiến triển rất tốt. Diệp thi đỗ vào Trường Cao đẳng Quân y 1 ở Sơn Tây, Hà Nội. Khi ra trường, cô gái được về làm việc tại Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103.

Thế nhưng, nhiều năm sau, Diệp phải đối mặt với vấn đề thải ghép mãn tính, gan bị xơ nặng. Theo chia sẻ của Đại tá, PGS.TS Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Quân y 103, quá trình thải ghép của Diệp âm thầm diễn ra nhiều năm, tuy nhiên gần đây gặp phải những đợt thải ghép mãn tính.  

Do cấu trúc giải phẫu phần gan lấy để ghép cho Diệp có những biến đổi về mặt mạch máu, về tổ chức, nên chức năng tạng của em đã bắt đầu vào giai đoạn xấu, bệnh viện đã tính đến chuyện ghép gan lần 2 cho em, thời gian ghép lúc nào còn phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân.

Bé Diệp và bố sau ca ghép gan lịch sử cách đây gần 17 năm 

Tuy nhiên, sức khỏe của cô gái đã không chờ được đến khi có phép màu, cho em cơ hội một lần nữa được sống. Một năm kiên cường chiến đấu với bệnh xơ gan, em đã ra đi mãi mãi.

Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, ca ghép gan của bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp đến nay được gần 17 năm, là mức tương đối tốt của thế giới về ghép tạng.

 


Trần Hằng
.
.
.